Phát triển thị trường carbon: Một hướng đi nhiều lợi ích
Từng bước xây dựng lộ trình phù hợp
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa có ý kiến về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách tài chính để hình thành và vận hành thị trường carbon; trên cơ sở đó chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon trong nước đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Việt Nam nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính |
Để có cơ sở trao đổi, mua bán tín chỉ carbon giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, việc phát triển thị trường carbon trong nước đã được đặt ra từ năm 2011 tại Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới, ban hành kèm theo Quyết định số 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương năm 2013, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam chưa có nghĩa vụ bắt buộc phải cắt giảm phát thải khí nhà kính nên các doanh nghiệp không có nhu cầu mua tín chỉ carbon mà chỉ được trao đổi theo các cơ chế hợp tác với quốc tế.
Theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính kể từ năm 2021 theo đóng góp do quốc gia tự quyết định, đặc biệt cần nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP 26. Các công cụ định giá carbon cần được triển khai áp dụng ở nước ta, trong đó có việc phát triển thị trường carbon trong nước.
Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, qua 5 năm triển khai, Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam” (Dự án VNPMR) đã cơ bản hoàn thành, với những đóng góp quan trọng từ các nghiên cứu thí điểm tại một số ngành như sản xuất thép, quản lý chất thải rắn. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để Việt Nam tiến tới hình thành, phát triển thị trường carbon trong nước cũng như tham gia thị trường carbon thế giới.
Cơ hội lớn
Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Giám đốc Dự án VNPMR - cho biết: Ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu sắp bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Trong đó, bao gồm đóng góp về giảm phát thải nhà kính được cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Việt Nam đã hoàn thành NDC cập nhật và đã gửi Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Mức đóng góp giảm nhẹ sẽ tăng lên 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 khi nhận được hỗ trợ quốc tế.
Đến nay, trên thế giới đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Ngoài các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada… áp dụng công cụ định giá carbon thành công, nhiều quốc gia đang phát triển cũng đã thử nghiệm công cụ định giá carbon và tiến tới áp dụng rộng rãi như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Pakistan, Chile, Argentina… Đây là hướng đi tiềm năng, bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu lên đến 45 tỷ USD.
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, thì mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Giới chuyên gia cho hay, đây được coi là nguồn tài nguyên mới, nếu biết khai thác thì sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ CO2, chúng ta cần hoàn thiện nhiều quy định chi tiết để hình thành thị trường carbon trong và ngoài nước.
Đến thời điểm này, thị trường carbon vẫn được xem là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính. Tham gia thị trường carbon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít carbon và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Muốn làm được điều này, việc xây dựng, vận hành thị trường carbon còn là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính.
Do vậy, để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, chuyên gia cho hay, cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành…
Khi áp dụng dụng các công cụ định giá carbon như thuế carbon, hệ thống giao dịch phát thải, cơ chế tạo tín chỉ cần phải đánh giá, phân tích đầy đủ tác động cũng như cơ hội đối với kinh tế - xã hội và môi trường. Từ đó, lựa chọn công cụ định giá carbon phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Việt Nam đã tham gia vào thị trường carbon thông qua việc triển khai cơ chế phát triển sạch, hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia và cơ chế tín dụng chung Nhật Bản. |