Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: Vì sao vắng doanh nghiệp FDI?
Bức tranh nhiều màu sắc
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, sau 2 năm thực hiện "Đề án phát triển SPCNCL đến năm 2020, định hướng tới năm 2025", chương trình xét chọn SPCNCL Hà Nội đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2018-2020. Cụ thể, đã có 91 sản phẩm được công nhận; doanh thu của 58 DN sản xuất SPCNCL thành phố năm 2019 ước đạt gần 100 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD.
Hà Nội tiếp tục tạo điều kiện cho DN phát triển SsPCNCL |
Trong số 58 DN, có 15 DN doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, điển hình như: Tổng công ty May 10, Tập đoàn Sơn Hà, Tập đoàn Tân Á, Công ty dây và cáp điện Thượng Đình, Công ty tôn mạ Thăng Long, Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội...
Những sản phẩm đạt danh hiệu SPCNCL Hà Nội đảm bảo tính cạnh tranh cao, phát huy được giá trị truyền thống, định hướng cho sản phẩm cùng loại, góp phần khẳng định uy tín sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của DN trên thị trường và trong cộng đồng DN.
Là DN có SPCNCL, ông Nguyễn Phi Nghị - Phó giám đốc Văn phòng Công ty Cổ phần Misa - chia sẻ, được công nhận và tôn vinh SPCNCL của thành phố giúp DN tăng giá trị thương hiệu, qua đó thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho DN ổn định và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - khẳng định, với 91 sản phẩm được công nhận, đã tạo ra một bức tranh SPCNCL Hà Nội sinh động, nhiều màu sắc, đa dạng ngành nghề, nhiều chủng loại sản phẩm. Đây là những SPCNCL có sức lan tỏa và đóng góp lớn cho nền kinh tế thủ đô.
Hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, ông Đàm Tiến Thắng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - đánh giá, qua 2 năm triển khai đề án, vẫn còn hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, nhiều DN FDI lớn, có tiềm năng, thế mạnh, khả năng cạnh tranh cao đóng góp lớn vào nền kinh tế thủ đô chưa hưởng ứng tham gia chương trình; nhiều DN chưa đăng ký tham gia xét chọn đối với những sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0, sản phẩm đang tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Theo ông Thắng, nguyên nhân của tình trạng trên là do hiện nay chưa có cơ chế, chính sách xứng tầm, đủ sức thu hút DN lớn tham gia. Yêu cầu của việc cung cấp hồ sơ khi tham gia chương trình, trong đó có thông tin đối với DN mang tính bảo mật, không muốn công bố rộng rãi cũng là rào cản.
Để nâng cao hiệu quả Chương trình xét chọn SPCNCL, ông Nguyễn Doãn Toản yêu cầu Sở Công Thương và các sở, ban, ngành của thành phố cần tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác đánh giá xét chọn và tiếp tục rà soát, đề xuất UBND thành phố chỉnh sửa, bổ sung quy trình, tiêu chí đánh giá xét chọn SPCNCL, nhằm thu hút, lựa chọn được nhiều sản phẩm và DN thực sự có thế mạnh, tiềm lực và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế thủ đô tham gia. Đồng thời tiếp tục rà soát tham mưu thành phố có cơ chế, giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thiết thực cho các sản phẩm và DN được công nhận tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn nữa.
Ông Nguyễn Doãn Toản Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội: Đối với DN sản xuất SPCNCL cần chủ động, tăng cường hoạt động kết nối, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, tiến tới thành lập Hội DN sản xuất SPCNCL thành phố, nhằm tạo ra một tổ chức, diễn đàn dành riêng cho cộng đồng các DN sản xuất SPCNCL trao đổi, học tập kinh nghiệm, liên doanh liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh… |