Khẳng định vị thế
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2008 - 2017 đạt bình quân 2,66%/năm và năm 2018 đạt 3,76% (mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây). Thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam ngày càng được mở rộng, cơ cấu sản xuất hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ… đã được triển khai đem lại giá trị hàng hóa lớn, thu nhập cao và thân thiện môi trường.
Năng lực sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã ngày càng được nâng cao. Hàng hóa nông sản của Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu, có mặt tại thị trường trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... Xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện nay đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới, mang lại một nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho đất nước. Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản Việt Nam đã tăng nhanh trong 10 năm qua, bình quân đạt trên 9%/năm, và đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, có 10 mặt hàng nông sản kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên.
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế. Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp nông lâm thủy sản chỉ chiếm 1%. Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ, năng suất lao động còn hạn chế, trình độ khoa học và công nghệ còn thấp, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Việc thiết lập kênh tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với các nhà phân phối bán lẻ lớn của các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, số doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít, trong khi rào cản về kỹ thuật, chất lượng của thị trường quốc tế ngày càng khắt khe.
Tầm nhìn và mục tiêu
Để nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển hiệu quả hơn trong giai đoạn tới, Chính phủ đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 là: Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh. Cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống của nông dân. Xây dựng nông thôn văn minh hiện đại. Phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong Top 15 nước phát triển trên thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong Top 10 nước hàng đầu thế giới. Doanh nghiệp nông nghiệp được xác định có vai trò là trụ cột trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,0%/năm; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6%-8%/năm. Lĩnh vực nông nghiệp có 80.000 - 100.000 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh có hiệu quả, trong đó khoảng 3.000 - 4.000 doanh nghiệp có quy mô lớn và 6.000 - 8.000 doanh nghiệp quy mô vừa.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển nông nghiệp Việt Nam đến năm 2030, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng:
Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp nhăm tạo sức hấp dẫn đầu tư. Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm phù hợp với nhu cầu thị trường, kế hoạch và chiến lược phát triển ngành nông nghiệp. Rà soát, nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển ngành mang tính bền vững, ổn định và hiệu quả. Ưu tiên phát triển những ngành, sản phẩm chủ lực theo ba trục sản phẩm chính, bao gồm: Sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia; sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương. Nghiên cứu xây dựng đề án phát triển 03 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới về chế biến rau củ quả, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Đồng thời, tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ sau thu hoạch, khắc phục tổn thất sau thu hoạch, có lợi cho nông dân, gia tăng giá trị sản phẩm và tạo ra những ưu thế so sánh nhất định cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Xây dựng đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường, qua đó tư vấn, cung cấp cho các doanh nghiệp biết để điều tiết hoạt động phù hợp theo nhu cầu thị trường tránh bị ép giá bán.
Tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nâng cao năng lực phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tại các thị trường trọng điểm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại đưa hàng hóa nông sản Việt Nam tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài. Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu nông sản, thu hút đầu tư có chất lượng cao và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Xây dựng, hoàn thiện chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; khai thác tối đa các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Tăng cường hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ ở trong nước và ngoài nước cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù; thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và tài sản trí tuệ cho các sản phẩm được bảo hộ.