Phát triển logistics Việt Nam ngang tầm trình độ thế giới
Dư địa phát triển rất lớn
Nói về tiềm năng logistics, là một quốc gia ven biển, với hơn 3260 km bờ biển và khoảng hơn 1 triệu km2 biển, Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển nói chung, phát triển lĩnh vực giao thông vận tải hàng hải biển, cũng như các dịch vụ hậu cần cho giao thông vận tải biển (logistics)… Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, tham gia vào nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA), độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn lên đến gần 200% so với GDP, cơ hội mở ra cho lĩnh vực logistics phát triển lại càng to lớn, bởi nói đến logistics là nói đến vận tải, kết nối, cung ứng… mang tính toàn cầu.
Ngày 8/6/2020, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã được Quốc hội thông qua, được ví như “con đường cao tốc” mở ra cho hàng hóa Việt Nam tiến vào thị trường EU. Cùng với CPTPP và các FTA khác, đã, đang được thực thi, dự kiến qui mô, giá trị trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam với thế giới sẽ ngày càng lớn và tiếp tục tăng trưởng. Số liệu thống kê năm 2019 cho thấy, hiện mỗi năm đang có một khối lượng hàng hóa khổng lồ, trị giá trên 500 tỷ USD được vận chuyển đến hoặc rời khỏi Việt Nam. Các hoạt động hậu cần cho khối lượng hàng hóa khổng lồ này đến và rời khỏi Việt Nam trong việc kết nối vận chuyển, lưu thông, phân phối ra thị trường…, đó là hoạt động logistics. Nếu tận dụng hiệu quả, lĩnh vực logistics có thể tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam nhiều tỷ USD trong tương lai, giải quyết hàng triệu việc làm cho xã hội.
Tại cuộc Tọa đàm Khởi nghiệp cùng logistics, do Mạng lưới Đào tạo logistics Việt Nam, phối hợp với Trường Đại học Hàng hải, tổ chức mới đây, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội Việt Nam, nhận định: Chi phí logistics của Việt Nam hiện nay chiếm tỷ trọng khoảng 21% GDP, trong khi mức chi phí logistics bình quân trên thế giới chỉ vào khoảng 11%. Chỉ cần giải quyết được khoảng trống về trình độ phát triển logistics của Việt Nam ngang tầm với thế giới, đã có thể giúp cho nền kinh tế tiết kiệm được khoảng 30 tỷ USD, tương đương với khoảng 10% tổng GDP hiện nay.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045, cũng như các Nghị quyết có liên quan khác của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đều nhấn mạnh đến vai trò và tầm quan trọng của logistics cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này phát triển. |
Cần nguồn nhân lực mạnh
Trong mọi quyết sách phát triển, bao gồm phát triển lĩnh vực logistics, yếu tố con người vẫn là chủ đạo quyết định sự thành bại. Thực hiện chiến lược phát triển logistics trong dài hạn, các cơ quan quản lý nhà nước chức năng, cũng như các tổ chức hữu quan như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Mạng lưới Đào tạo logistics Việt Nam… đã và đang tích cực triển khai các hình thức đào tạo nguồn nhân lực logistics, với các hình thức rất đa dạng, phong phú, thiết thực, từ truyền đạt kiến thức trên giảng đường, đến tổ chức các cuộc tọa đàm, các cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ logistics...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực phục vụ cho Chiến lược phát triển kinh tế biển đến 2030 tầm nhìn 2045, từ năm 2008-2009, Trường Đại học Hàng hải đã quyết định mở chuyên ngành logistics. Ngoài truyền đạt kiến thức trên giảng đường, nhà trường thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp logistics… để tạo sân chơi cho sinh viên tham gia vào các hoạt động liên quan đến logistics, tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ logistics do Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan phát động; kết nối các chuyên gia, CEO trong lĩnh vực logistics với các sinh viên và giảng viên của trường để tương tác, trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới chương trình đào tạo nguồn nhân lực logistics cho phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, Chính phủ Nhật Bản đã giúp đỡ xây dựng Trung tâm Huấn luyện logistics Tiểu vùng Mê Kông - Nhật Bản tại Trường Đại học Hàng hải, tới đây đi vào hoạt động có thể đào tạo nhân lực cho ngành logistics ở các cấp độ và qui mô từ cử nhân, quản lý đến công nhân lành nghề, không chỉ cho Việt Nam mà cho cả các nước Tiểu vùng Mê Kông như Lào, Camphuchia, Thái Lan…
Thực tiễn cho thấy, CEO các công ty logistics lớn của Việt Nam hiện nay, dù khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này, song đa số đều không được đào tạo chuyên ngành logistics một cách bài bản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trình độ, năng lực phát triển logistics của Việt Nam hiện vẫn còn tụt hậu xa so với thế giới.
Phát triển logistics Việt Nam ngang tầm với trình độ của thế giới, đó là mục tiêu Việt Nam cần phải hướng tới. Trọng trách này đặt lên vai những người làm logistics, đặc biệt là những tài năng trẻ đang ngồi trên ghế giảng đường, đòi hỏi cần phải có năng lực đổi mới, khả năng sáng tạo mới. Công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics, cần phải trang bị cho sinh viên đầy đủ về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, hoài bão, niềm đam mê, khả năng sáng tạo và bản lĩnh dấn thân, để khi rời ghế giảng đường, các em có đủ hành trang khởi nghiệp thành công cùng với logistics.