Phát triển đô thị Việt Nam theo hướng bền vững
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với đô thị hóa là một xu thế tất yếu tại mỗi vùng lãnh thổ, mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Là một trong những quốc gia đang phát triển và có tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực Đông Nam Á, những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, GDP của đô thị chiếm trên 70% GDP cả nước. Hệ thống các đô thị đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng và quy mô.
Tuy nhiên, mặt trái của việc phát triển đô thị nhanh chóng chính là sự đe dọa với môi trường sống. Trên thế giới, các thành phố hiện đang tiêu thụ khoảng 75% nguồn năng lượng của thế giới và phát thải 80% khí nhà kính toàn cầu. Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa nhanh đã dẫn tới việc các đô thị phải đối mặt với nhiều vấn đề như kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tình hình úng ngập tại các đô thị, ùn tắc giao thông…
Đánh giá được vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển đô thị trong quá trình hội nhập và phát triển, ngày 7/4/2009, tại Quyết định số 445/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2050”. Trong đó, mục tiêu chiến lược được xác định là từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, có môi trường và chất lượng, đô thị sống tốt, có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và quốc tế.
Từ năm 2011, việc triển khai xây dựng các đô thị sinh thái tại Việt Nam đã nằm trong mục tiêu trọng tâm của hợp tác Việt Nam – Nhật Bản. Ông Michio Daito – Tham tán, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện hai quốc gia đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về Cơ chế tín chỉ chung JCM. Với những hỗ trợ lớn về vốn và công nghệ, đây là cơ hội để các thành phố, khu đô thị tại Việt Nam tiếp cận và sử dụng nguồn hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để áp dụng những công nghệ tiên tiến, ít phát thải carbon như công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ chiếu sáng bằng đèn Led, công nghệ xử lý nước thải, hệ thống chia sẻ xe đạp thông minh đã áp dụng thành công tại Nhật Bản… Từ đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển đô thị Việt Nam theo hướng đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Việt Nam hiện có tổng số 774 đô thị, tại các đô thị lớn của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều phải đối diện với các vấn đề lớn về gia tăng dân số (khu trung tâm thành phố), ngập úng, ùn tắc giao thông, thiếu năng lượng, ô nhiễm/ nguồn nước có nguy cơ nhiễm mặn. Dự kiến, năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 850 đô thị, đến năm 2025 sẽ có 1.000 đô thị. Nếu các đô thị này đều đi theo hướng đô thị sinh thái, Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi nhuận cả về kinh tế và môi trường vì vừa tiết kiệm năng lượng, vừa giảm thiểu đáng kể lượng phát thải cacbon.