Phát triển Cụm công nghiệp Thanh Đa, Phúc Thọ, Hà Nội: Bài 2: Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”
Niềm mong mỏi của đại đa số người dân
Đi dọc con đường vào các thôn xóm tại xã Thanh Đa, không khó để chúng tôi bắt gặp những hình ảnh hàng dãy nhà xưởng “mọc” san sát với các công trình nhà ở của người dân. Điều này cũng đã được thể hiện tại Báo cáo số 42/BC-UBND của UBND ngày 19/7/2021 về hoạt động sản xuất, kinh doanh tiểu thủ công nghiệp. Báo cáo cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp đã mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương, bình quân từ 7-10 triệu đồng.
Khu vực đang vướng mắc giải phóng mặt bằng |
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng để lại những hệ lụy về môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Nguyên nhân là do tất cả nhà xưởng sản xuất của các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư theo dạng (nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh). Quá trình hoạt động, các loại thiết bị gây tiếng ồn, khói bụi, mùi sơn gây ô nhiễm rất nặng nề, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, tiềm ẩn nguy cơ cháy trong khu dân cư rất cao. Chính vì vậy, UBND xã đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng và chủ đầu tư sớm hoàn thiện hạ tầng để CCN Thanh Đa vào hoạt động.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đa cho biết, sau khi UBND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương, UBND xã đã thực hiện ngay việc lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Đại đa số người dân đều đồng thuận và mong mỏi được có CCN để ổn định và phát triển sản xuất. Trước mắt chủ đầu tư dự án là Công ty CP Tập đoàn Long Biên đã cam kết với UBND xã sẽ ưu tiên cho các hộ dân thuộc thôn Phú An là nơi phải nhường đất cho CCN được đăng ký thuê đất trước tại CCN.
Nhiều lần tổ công tác bồi thường GPMB đề nghị nhưng chỉ riêng có 2 hộ ông Biên Thùy, ông Sáng không hợp tác. UBND xã cũng nhiều lần tuyên truyền vận động nhưng cũng không đồng thuận nên bắt buộc phải cưỡng chế kiểm đếm.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hoàng Đình Mùi, Bí thư Chi bộ thôn Phú An cho biết: Ngay từ khi có quyết định chủ trương, chủ đầu tư và các cấp chính quyền đã thực hiện theo đúng trình tự, từ khâu niêm yết công khai đến tổ chức các hội nghị với các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất.
“Để người dân tin tưởng, UBND xã còn mời Trung tâm hỗ trợ pháp lý về tuyên truyền, giải thích các quy định cho người dân. Công tác tuyên truyền được phát rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh để đông đảo người dân lắng nghe. Hiện chỉ còn 2 hộ không đồng ý nhận bồi thường. Đại đa số người dân đều mong muốn việc giải tỏa mặt bằng ở CCN thực hiện dứt điểm để vào hoạt động đáp ứng nhu cầu mong mỏi từ rất lâu của bà con”- ông Mùi cho hay.
Sớm triển khai để giải… “cơn khát”
Có một thực tế tại xã Thanh Đa đó là việc quy hoạch thiếu tập trung, nhiều hộ phát triển sản xuất đan xen trong các khu dân cư. Trong quá trình hoạt động, không tránh khỏi những hệ lụy liên quan đến ô nhiễm môi trường, sức khỏe, cháy nổ... Nhận thức được điều này, các chủ cơ sở sản xuất như anh Lưu Đình Văn, Hoàng Đình Toản đều bày tỏ nguyện vọng CCN sớm được triển khai và rất cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện để ổn định, mở rộng phát triển sản xuất.
Hàng dãy nhà xưởng nằm xen kẽ trong khu dân cư tại thôn Phú An xã Thanh Đa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao |
Anh Nguyễn Tiến Quyền, Phó Bí thư chi bộ thôn Phú An và cũng là một chủ cơ sở sản xuất tại xã cho biết: Từ khi triển khai, chủ đầu tư dự án đã thực hiện theo đúng trình tự, từ khâu niêm yết công khai đến tổ chức các hội nghị với các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất.
“Cùng với việc niêm yết tại nhà văn hóa thôn, UBND xã, các thông tin của dự án CCN còn được phổ biến qua hệ thống đài truyền thanh của xã. Bà con rất vui mừng, phấn khởi và đón nhận, mong muốn việc giải tỏa mặt bằng ở CCN thực hiện dứt điểm để đi vào hoạt động, góp phần giảm bớt ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân có địa điểm sản xuất thuận lợi, phục vụ tốt hơn cho công tác sản xuất, kinh doanh”.
Liên quan đến sự việc, hiện có một số thông tin cho rằng chủ đầu tư có dấu hiệu huy động vốn trái phép. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, huyện đã yêu cầu các nhà đầu tư cam kết không huy động vốn trước khi nhận bàn giao mặt bằng. Phía chủ đầu tư cũng đã có văn bản cam kết với UBND huyện Phúc Thọ không tiến hành huy động vốn trước khi nhận bàn giao mặt bằng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đa cho biết: Trong Quyết định 2743/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc thành lập CCN Thanh Đa đã có quy định về cơ cấu đầu tư của dự án cho phép sử dụng vốn huy động từ nhà đầu tư thứ phát (20%) tương đương khoảng 45,5 tỷ đồng. Hiện nhà đầu tư đã báo cáo và được UBND xã cho phép tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư theo đúng quy định. Tại buổi này, đại đa số người dân đều tự nguyện, chủ động bày tỏ mong muốn được góp vốn, đồng hành cùng chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Đồng thời, đại diện chủ đầu tư cũng khẳng định, tại buổi xúc tiến đầu tư đã có rất nhiều ý kiến của người dân mong muốn được góp vốn nhưng hiện doanh nghiệp vẫn chưa ký kết hợp đồng chuyển nhượng với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Một số thông tin, hình ảnh cho rằng chủ đầu tư đã ký kết với người dân để huy động vốn là hoàn toàn chưa chính xác, đây chỉ là bản dự thảo hợp đồng mẫu để người dân tham góp ý kiến, hoàn toàn chưa có giá trị pháp lý.
“Việc một số trang mạng cho rằng chủ đầu tư có huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm Điều 39 Luật Kinh doanh bất động sản là không chính xác. Bởi đây là dự án phát triển CCN, chủ đầu tư chỉ xây dựng hạ tầng sau đó mời gọi các cơ sở sản xuất vào thuê đất, xây dựng nhà xưởng chứ không thực hiện chuyển nhượng như các dự án bất động sản thương mại và không làm mất đi quyền quản lý đất của Nhà nước”- đại diện chủ đầ tư cho biết. (Đối với Luật Kinh doanh bất động sản chỉ áp dụng đối với các dự án bất động sản thương mại, chứ không áp dụng cho các dự án hạ tầng công nghiệp).
Trước sự việc này, mong rằng UBND huyện Phúc Thọ, UBND xã Thanh Đa sớm có những giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ đưa CCN Thanh Đa sớm đi vào hoạt động đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân. Không để tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” để quyền lợi cá nhân vượt lên quyền lợi của tập thể “làm mờ” đi điểm sáng trong công tác GPMB của huyện Phúc Thọ.