Phải định kỳ báo cáo thống kê số lượng, chất lượng viên chức
Theo đó, định kỳ trước ngày 30 tháng 6 hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất của Bộ Nội vụ, các cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của mình lập báo cáo thống kê về số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức, danh sách và tiền lương viên chức theo biểu mẫu thống nhất do Bộ Nội vụ ban hành kèm theo Thông tư này.
Các loại báo cáo gồm: Báo cáo thống kê số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức; báo cáo danh sách và tiền lương viên chức.
Thời điểm lập báo cáo: Đối với báo cáo định kỳ hàng năm thì thời điểm báo cáo tính đến ngày 31 tháng 12 của năm trước. Đối với báo cáo đột xuất thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và cơ quan có thẩm quyền.
Báo cáo thống kê số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức gửi về Bộ Nội vụ đồng thời bằng hai hình thức: hình thức văn bản có chữ ký và đóng dấu của người đứng đầu cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hình thức file điện tử theo địa chỉ vuccvc@moha.gov.vn.
Báo cáo danh sách và tiền lương viên chức chỉ gửi về Bộ Nội vụ bằng file điện tử theo địa chỉ vuccvc@moha.gov.vn, Báo cáo danh sách và tiền lương viên chức bằng văn bản có chữ ký và đóng dấu của người đứng đầu cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lưu trữ tại cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quản lý, sử dụng hồ sơ viên chức
Thông tư nêu rõ, công tác xây dựng và quản lý hồ sơ viên chức được thực hiện thống nhất, khoa học, phản ánh được đầy đủ, chính xác thông tin của từng người từ khi được tuyển dụng cho đến khi không còn làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Hồ sơ viên chức được xây dựng, quản lý, sử dụng và bảo quản theo chế độ tài liệu mật; chỉ những người được cơ quan hoặc người có thẩm quyền quản lý hồ sơ viên chức đồng ý bằng văn bản mới được nghiên cứu, sử dụng và khai thác hồ sơ viên chức. Nghiêm cấm việc phát tán thông tin trong hồ sơ viên chức.
Viên chức thay đổi cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hoặc được xét chuyển thành công chức thì cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ công chức, viên chức khi tiếp nhận viên chức phải yêu cầu cơ quan quản lý hồ sơ viên chức cũ bàn giao đầy đủ hồ sơ viên chức đó.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ là 30 ngày, kể từ ngày viên chức có quyết định tiếp nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hoặc có quyết định xét chuyển thành công chức.
Đối tượng được nghiên cứu, sử dụng và khai thác hồ sơ viên chức, gồm: Cơ quan quản lý viên chức, đơn vị sử dụng viên chức và cơ quan quản lý hồ sơ viên chức được nghiên cứu, sử dụng và khai thác hồ sơ viên chức để phục vụ yêu cầu công tác; Trường hợp cần thiết và được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan quản lý hồ sơ viên chức, viên chức được nghiên cứu toàn bộ hoặc một phần hồ sơ của mình hoặc đề nghị cơ quan quản lý hồ sơ cung cấp bản sao "Sơ yếu lý lịch viên chức" của mình.
Cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động thực hiện việc hiện đại hoá công tác quản lý hồ sơ viên chức thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ và khai thác hồ sơ viên chức; hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với hồ sơ giấy truyền thống, phát huy tối đa hiệu quả khai thác hồ sơ viên chức trong hệ thống quản lý hồ sơ viên chức điện tử.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2019.