Petrovietnam làm chủ công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơi
Ông Lê Mạnh Hùng ,Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã chủ trì hội thảo. Trước đó, Tổng giám đốc Tập đoàn đã có thông báo giao cho các đơn vị PTSC, Vietsovpetro cùng các ban chuyên môn và các đơn vị trong Tập đoàn phối hợp nghiên cứu xây dựng chiến lược làm chủ công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơi, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, của Petrovietnam.
Theo đó, các nội dung chính trong nhiệm vụ bao gồm: mô tả các giai đoạn phát triển của một dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; phân tích, đánh giá năng lực kỹ thuật, công nghệ của Petrovietnam trong lĩnh vực này, đánh giá lĩnh vực thế mạnh của Petrovietnam trong chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Phân tích, đánh giá tình hình tham gia năng lượng tái tạo ngoài khơi của các đơn vị trong chuỗi cung ứng; xây dựng lộ trình đầu tư cơ sở vật chất, xác định mô hình hợp tác để Petrovietnam nâng cao năng lực kỹ thuật, làm chủ công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơi; đề xuất các cơ chế chính sách liên quan để tạo ưu thế cho các doanh nghiệp trong nước, định hướng Petrovietnam trở thành Tập đoàn có vai trò đầu mối trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Toàn cảnh buổi hội thảo về chiến lược nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơi |
Điểm tương đồng giữa các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi và các công trình dầu khí trên biển đều là các dự án với kết cấu bằng thép được thi công chế tạo hoàn thiện trên bờ và lắp đặt ngoài khơi. Sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo ngoài khơi sẽ mang lại cơ hội cho những đơn vị cung cấp dịch vụ dầu khí ngoài khơi như Vietsovpetro, PTSC... với kinh nghiệm, nguồn lực, thế mạnh của mình.
Hiện nay, Petrovietnam là doanh nghiệp đứng đầu Việt Nam về cơ khí chế tạo, thi công và xây lắp các công trình dầu khí ngoài khơi, được khách hàng quốc tế đánh giá cao. Petrovietnam cũng đảm bảo năng lực triển khai ở tất cả giai đoạn của dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Với bề dày kinh nghiệm, năng lực, nguồn lực và hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong lĩnh vực khai thác dầu khí ngoài khơi, việc Petrovietnam tham gia vào ngành công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi sẽ đem lại lợi ích to lớn, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của các đơn vị trong nước, tránh lãng phí đầu tư, có thể xuất khẩu dịch vụ ra thị trường quốc tế và đặc biệt góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Báo cáo cũng nêu rõ những đánh giá sơ bộ về việc làm chủ công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơi của Petrovietnam cũng như khả năng tham gia các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi của các đơn vị thành viên; năng lực triển khai các gói công việc trong việc xây dựng các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi; hệ thống cảng, cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi cũng như năng lực sản xuất của các đơn vị thành viên của Petrovietnam.
Đại diện Ban Điện và năng lượng tái tạo trình bày báo cáo tại hội thảo |
Đại diện các đơn vị PTSC, Vietsovpetro, PETROCONs đã báo cáo với lãnh đạo Tập đoàn chi tiết các hoạt động đang triển khai để tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi cũng như định hướng kế hoạch phát triển trong thời gian tới. Lãnh đạo Tập đoàn, đại diện các Ban chuyên môn đã cùng trao đổi, thảo luận về các nội dung được báo cáo, cho ý kiến nhằm làm rõ các nội dung kiến nghị của các đơn vị.
Sau khi nghe các báo cáo và ý kiến, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đánh giá cao sự tích cực, chủ động của các đơn vị trong thời gian qua đã xây dựng kế hoạch, nghiên cứu, đánh giá thị trường, triển khai các công việc để tham gia vào lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong tương lại, năng lượng tái tạo ngoài khơi sẽ là một trong những loại hình năng lượng mà Petrovietnam sẽ tập trung nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững hơn bên cạnh nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống.
Chính vì vậy, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng lưu ý Tập đoàn và các đơn vị cần tập trung triển khai rà soát đội ngũ nhân sự làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để kiện toàn ngay trong tháng 11/2022.
Đây chính là nguồn lực cơ bản và quan trọng của Petrovietnam trong việc tiếp cận với một lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo ngoài khơi để từ đó có thể triển khai định hướng chiến lược về chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam một cách hiệu quả, phù hợp.
Song song với việc kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, Petrovietnam và các đơn vị cần tập trung triển khai đề án làm chủ công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơi từ thiết kế cơ bản, chế tạo, cung ứng, lắp đặt, vận hành, chạy thử, bảo dưỡng một dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Các đơn vị tham gia hội thảo trực tuyến |
Về chiến lược dài hạn, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng yêu cầu cần tập trung đánh giá thị trường năng lượng tái tạo trong nước, khu vực và trên thế giới để có cái nhìn tổng quan, phục vụ cho việc hoạch định chiến lược lâu dài cho lĩnh vực này. Từ đó, xây dựng chiến lược cụ thể cho phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi trong chiến lược chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam, xác định mô hình về đầu tư, triển khai công nghiệp năng lượng tái tạo một cách phù hợp, hiệu quả trên cơ sở tận dụng thế mạnh của Tập đoàn và các đơn vị, kết hợp với phát triển chiến lược về dầu khí.
Một nội dung quan trọng dài hạn khác là tập trung tháo gỡ cơ chế, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi. Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng giao cho Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, xây dựng dự thảo sáng kiến lập pháp về hành lang pháp lý liên quan đến năng lượng tái tạo ngoài khơi, đây sẽ là điều kiện thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này trong tương lai.
“Tới năm 2030, thời điểm chuyển mình của các doanh nghiệp năng lượng trong đó có Petrovietnam, còn rất ngắn. Tập đoàn và các đơn vị trong ngành cần phải chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng tạo đà cho việc tái tạo kinh doanh, mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi đầy tiềm năng và lợi thế”, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng lưu ý.