“Chuyển đổi số để tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng”, Tổng giám đốc EVN - Trần Đình Nhân - phát biểu khai mạc Hội nghị Công nghệ thông tin năm 2021 do EVN tổ chức vào sáng 8/4/2021 tại Thanh Hóa đã khẳng định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến giúp khách hàng không cần đến các điểm giao dịch cũng có thể tiếp cận các dịch vụ điện, chỉ cần có thiết bị di động kết nối mạng internet là khách hàng có thể đăng ký dịch vụ, truy cập vào các phần mềm chăm sóc khách hàng trên website của trung tâm CSKH hoặc gọi điện tới trung tâm CSKH. Các thủ tục được công khai, minh bạch, khách hàng giao dịch không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, nhân viên ngành điện nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Không nằm ngoài xu hướng đó, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (PC Hải Phòng) đã chủ động trong công tác chuyển đổi số trên mọi mặt sản xuất kinh doanh, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm mang lại cho khách hàng sử dụng điện những trải nghiệm về dịch vụ điện tiện ích nhất. Chương trình chuyển đổi số tại PC Hải Phòng đã và đang diễn ra rộng rãi tại các đơn vị trực thuộc.
Để nâng cao hiệu quả đưa chương trình số hóa đến gần hơn nữa với người lao động, phát huy tối đa được hiệu quả khi thực hiện, PC Hải Phòng tổ chức cho 100% CBCNV tham gia các buổi tập huấn về chuyển đổi số của EVN thông qua hình thức học trực tuyến, tổ chức làm bài đầy đủ kiểm tra kiến thức trên Elearning, tổ chức các buổi họp tọa đàm giữa các trưởng đơn vị để triển khai mạnh mẽ việc áp dụng các chương trình phần mềm thay thế dần các nghiệp vụ quản lý thủ công; tổng hợp, báo cáo, truy xuất số liệu trên máy tính thay cho việc tra cứu, trích lục giấy tờ…
Nhờ việc áp dụng chương trình chuyển đổi số mà bước đầu đã thu được những kết quả đáng ghi nhận: việc quản lý tài liệu được khoa học, thông tin được truy xuất nhanh chóng, số liệu báo cáo được cập nhật kịp thời... đặc biệt trong thời điểm bệnh dịch covid-19 diễn ra phức tạp thì chuyển đổi số đã giúp cho khách hàng hạn chế việc đi lại, hầu hết mọi giao dịch đều được đăng ký qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia, Web CSKH, APP CSKH… Chỉ với thao tác nhấp chuột đơn giản tại nhà khách hàng hoàn toàn có thể đăng ký các dịch vụ liên quan đến việc sử dụng điện mà không cần đến Phòng Giao dịch khách hàng. Tập trung triển khai số hóa hợp đồng mua bán điện sinh hoạt (hợp đồng điện tử), áp dụng chữ ký số và xác nhận qua mã OTP tiến tới quản lý hiện đại hóa, giảm bớt các chi phí in ấn hợp đồng, không cần lưu trữ hồ sơ nhiều và giảm nhân lực. Việc số hóa, lưu trữ dữ liệu điện tử hồ sơ hợp đồng mua bán điện giúp giải quyết việc truy xuất, kiểm tra thông tin dễ dàng, nhanh chóng. Hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử giúp nâng cao hiệu quả công việc do truy xuất thông tin kịp thời để phục vụ khách hàng, khách hàng có thể xem, kiểm tra hồ sơ online và đề xuất cập nhật sửa đổi.
Bên cạnh đó, không ngừng đa dạng các hình thức, kênh thanh toán tiền điện; xóa bỏ dần kênh thu truyền thống tại quầy điện lực. Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán online), sử dụng hóa đơn điện tử trên nền tảng chuyển đổi số dữ liệu khách hàng. Điện lực đã hợp tác với các đại lý bưu điện, các Ngân hàng Vietcombank; Techcombank; BIDV; ABBank; Agribank; MB; VIB; Vietinbank; ACB; OCB; Bưu điện Liên Việt; Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt Payoo, VNPost, MoMo, Vimo, VNPay… để thực hiện thu tiền điện tại quầy giao dịch, qua ATM, InternetBanking, trích thu nợ tự động...
Nhân viên giao dịch khách hàng giới thiệu các hình thức thanh toán trực tuyến cho khách hàng |
Tính đến hết tháng 7 năm 2021 : Số lượng công tơ điện tử đo xa lắp đặt được 345.435/518.750 công tơ đang vận hành trên lưới; Yêu cầu xử lý thông tin qua của khách hàng Trung tâm CSKH là 60.750 lượt, kết quả xử lý đạt 100% yêu cầu; Công tác nhắn tin CSKH 9.071.378 tin (trong đó tỉ lệ nhắn qua zalo chiếm 46%); Tiếp nhận các dịch vụ điện qua Trung tâm CSKH, TT HCC, cổng DVC, email, App, Zalo: 38.123, đạt 99,24% ; Tiếp nhận dịch vụ điện qua Cổng DVCQG: 9.931 yêu cầu, đạt tỷ lệ 88,86% ; Tiếp nhận 11.131 yêu cầu theo phương thức điện tử đạt 99,6% ; Thực hiện 7.235 yêu cầu dịch vụ điện cấp độ 4 đạt 83,09% ; Chuẩn hóa thông tin khách hàng được 4.722 trạm biến áp đạt 96,13% ; Số hóa hóa đơn MBĐ đạt 71,74% kế hoạch năm (số lượng đã ký OTP).
Như vậy, có thể nói chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã đem lại những tiện lợi cho khách hàng và được khách hàng nhiệt tình ủng hộ.
Thời gian tới, PC Hải Phòng sẽ tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Khẩn trương thiết lập, vận hành hệ thống an toàn số và hạ tầng an ninh bảo mật đáp ứng yêu cầu trong công tác chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin; Đảm bảo nhân lực cho công tác chuyển đổi số và bảo mật công nghệ thông tin; Đảm bảo tuyệt đối an toàn thông tin, an ninh bảo mật cho hệ thống điện; Xây dựng tiêu chí đánh giá tính hiệu quả trong công tác chuyển đổi số…