Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, PC Bình Định đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn như: phát tờ rơi “Phòng chống tai nạn điện trong nhân dân”; “Cẩm nang sử dụng điện an toàn và tiết kiệm” đến từng hộ gia đình.
Phối hợp với đài phát thanh truyền hình địa phương để tuyên truyền phòng tránh tai nạn điện. Tổ chức treo biển báo, panô, áp phích, khẩu hiệu tại các nơi công cộng, các nơi có thiết bị điện… nhằm cảnh báo cũng như giúp người dân nhận thức và nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn điện.
Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Sở Công Thương để vận động khách hàng tự kiểm tra, xử lý các tồn tại đường dây hạ thế sau công tơ, hệ thống điện sinh hoạt trong nhà, nâng cao các ổ cắm, bảng điện có khả năng bị ngập nước trong mùa mưa bão..., tổ chức chặt tỉa cây cối đề phòng sự cố, tai nạn điện; phối hợp giải quyết các vụ nhà ở, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp...
Hầu hết lưới điện sau công tơ ở nông thôn không đảm bảo an toàn, tình trạng đường dây điện mắc chằng chịt, nhiều chủng loại, tiết diện dây không đảm bảo an toàn chồng chéo lên nhau như “mạng nhện” ai nhìn thấy cũng phải “ớn lạnh”.
Nhiều đường dây điện do các cột đã xuống cấp nên nằm sát bụi cây ven đường hoặc sát mái nhà dân, có cả đường dây điện mắc sát mặt đất tiềm ẩn những nguy cơ điện giật rất cao. Dây điện đã vậy, cột điện cũng không khá hơn.
Nhiều cột điện làm từ cây tre, cây gỗ lâu ngày đã mục nát, xiêu vẹo có thể đổ bất cứ lúc nào. Nguy hiểm hơn cả là việc người dân tự ý đấu nối đường dây điện, vi phạm hành lang an toàn lưới điện… Nhiều hộ dân kéo điện lên núi, ra đồng ruộng để phục vụ cho công việc bơm tưới, có điểm ở ven tuyến đường giao thông, dây điện cao không quá đầu người khiến cho không ít người đi qua đây luôn phải nơm nớp lo sợ.
Nhân viên Điện lực Phù Cát tuyên truyền về An toàn điện cho người dân tại địa phương |
Gần đây nhất, giữa tháng 3/2022, tại thôn An Hòa 2 (xã Phước An, huyện Tuy Phước) xảy ra vụ điện giật khiến một người phụ nữ tử vong. Nguyên nhân được xác định do người này vướng phải một đường dây điện được người dân địa phương kéo ra đồng để phục vụ bơm nước tưới tiêu. Ngoài ra, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra không ít vụ người dân đi thăm ruộng hoặc làm đồng bị điện giật gây tử vong.
Mặc dù ngành điện ở Bình Định đã nổ lực hết sức nhưng an toàn điện nông thôn vẫn là vấn đề bức xúc, bởi vì trên thực tế hiện nay lưới điện ở nông thôn trước đây xây dựng hầu hết các địa phương chỉ vận động nhân dân trong thôn, xóm tự nguyện cho dựng cột không được bồi thường cây cối, hoa màu, đến nay sau khi bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành điện việc phát quang hành lang lưới điện gặp phải sự phản ứng của nhân dân không cho chặt cây trong phạm vi an toàn lưới điện, mà nhân dân buộc ngành điện phải bồi thường, việc dựng cột xây dựng cải tạo lại lưới điện cũng gặp khó khăn không ít như: Do đường nông thôn nhiều đoạn quá nhỏ không có lề đường, việc dựng cột điện trong vườn của nhân dân thì phải bồi thường … Do vậy để thực hiện quản lý vận hành an toàn lưới điện và cải tạo lại lưới điện thì không dễ chút nào, đặc biệt là đối với những đoạn đường chạy ngang qua khu vực dân cư.
Qua các vụ tai nạn điện trong dân cho thấy yếu tố quan trọng nhất để giảm các vụ tai nạn điện vẫn là ý thức sử dụng điện an toàn của mỗi người dân, vì vậy cần đẩy mạng công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn.
Bên cạnh sự tích cực của các đơn vị quản lý vận hành, PC Bình Định cũng đề nghị chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Đồng thời, các đơn vị cùng địa phương cũng cần phối hợp ngăn chặn ngay từ đầu các trường hợp trồng cây, xây dựng công trình, nhà ở… trong hành lang, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.