OPEC thất bại trong nỗ lực hướng tới đạt được thỏa thuận về nguồn cung dầu mỏ
Tổng thư ký OPEC Abdalla El Badri nói trong một cuộc họp báo rằng, chúng tôi đã quyết định lùi thời hạn cắt giảm sản lượng cho đến phiên họp tới và cũng đợi cho đến lúc tình hình sáng sủa hơn. OPEC thậm chí đã không đưa ra được trong tuyên bố chung trước khi bế mạc cuộc họp cấp Bộ trưởng về khối lượng dầu sản xuất và cung ứng của nhóm.
OPEC tạm hoãn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu. Nguồn Internet |
Chúng tôi không thể đưa ra một số lượng cụ thể vào thời điểm này vì Iran sẽ quay trở lại trong tổ chức, và khi việc này xảy ra chúng tôi sẽ phải sắp xếp lại hạn ngạch bằng một hình thức nào đó hợp lý hơn. Tổng thư ký El Bardi khẳng định, Iran sẽ tăng lượng dầu khai thác trong các tháng tới. Việc tăng này sẽ đến sau khi các lệnh cấm vận trừng phạt ngành công nghiệp dầu mỏ của quốc gia này được dỡ bỏ và có hiệu lực vào đầu năm 2016, từ kết quả của thỏa thuận đạt được với 6 cường quốc về chương trình hạt nhân của xứ sở hồi giáo này. Các Bộ trưởng của OPEC cũng đã thỏa thuận sẽ họp lại vào ngày 2/6/2016 tại Vienne (Áo). Lúc đó chúng tôi sẽ thương lượng xem có thể đạt được một nỗ lực chung có đóng góp của tất cả các quốc gia thành viên - Tổng thư ký el Bardi kết luận.
Việc không đạt được thỏa thuận về cắt giảm khối lượng dầu khai thác đồng nghĩa với sự tiếp tục duy trì khối lượng bơm 30 triệu thùng/ngày, đây là mức trần theo quy định của 12 nước thành viên OPEC, không kể Indonesia - nước vừa tái gia nhập sau 6 năm gián đoạn. Tuy nhiên mức trần này trên thực tế hiện cũng không được tôn trọng. Lượng dầu sản xuất của nhóm đã vượt 5%, lên tới 31,5 triệu thùng/ngày. Kết quả sau cuộc họp cho thấy không đạt được cam kết để điều chỉnh theo hướng giảm sản xuất theo hạn ngạch đã phân bổ thậm chí cũng không cắt giảm được lượng dầu bơm thêm như đề nghị của Venezuela và Ecuador.
Chủ tịch luân phiên của nhóm, Bộ trưởng Bộ Dầu khí Nigeria Emmanuel Ibe Ikechukwu đã bảo vệ lập trường duy trì mức sản xuất hiện nay khi phát biểu rằng, nếu OPEC chấp nhận cắt giảm hạn ngạch khai thác hiện hành thì tác động của nó lên thị trường vào lúc này cũng rất hạn chế vì cung vẫn vượt cầu. Chúng ta chỉ sản xuất khoảng từ 35-40% tổng lượng dầu của thế giới. Khối lượng đến từ bên ngoài OPEC vẫn chiếm hơn 60%. Nếu cắt giảm 5% số lượng khai thác thì cũng dẫn tới không có nhiều tác động lên thị trường.
Một số thành viên của OPEC đã bị giáng một đòn nặng nề do nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của họ giảm mạnh đã nhiều lần kiến nghị về sự cần thiết phải cắt giảm nguồn cung để tăng giá dầu mà hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua, nhưng các nước vùng vịnh, đứng đầu là Arap Saudi vẫn tiếp tục bảo vệ một cách mạnh mẽ chiến lược về giá thấp để dành thêm thị phần trên thị trường dầu thế giới và thúc đẩy cạnh tranh với dầu đá phiến của Mỹ.
Giá dầu thô đã giảm trên 50% kể từ tháng 7 năm ngoái trở lại đây. Giá dầu tham chiếu của OPEC hôm thứ năm đã xuống mức 38 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 31/12/2008, khi đó giá dầu tuột dốc bởi tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu với sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers./.