Omega+ ra mắt nhiều bộ sách có giá trị nâng cao tri thức
Tiếp tục mạch giới thiệu các bộ sách nâng cao các hiểu biết về lịch sử, Công ty Sách Omega thời gian qua không ngừng đem các cuốn sách có giá trị của thế giới tới độc giả. Trong đó “Quảng trường và tòa tháp” và “Sử ký” vừa được giới thiệu.
Tác phẩm "Quảng trường và tòa tháp" của Niall Ferguson xuất bản lần đầu năm 2018 và được bình chọn là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã mang đến một bản tái hiện xuất sắc những bước ngoặt trong lịch sử thế giới, bao gồm cả giai đoạn mà chúng ta đang sống, cũng như sự va chạm giữa hệ thống phân cấp quyền lực cũ và mạng xã hội mới.
Tác giả Niall Ferguson (1964) là một trong các sử gia nổi tiếng nhất ở thời hiện đại, được Tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2004.
Dựa trên những hiểu biết lý thuyết của rất nhiều ngành học, từ kinh tế học, xã hội học, khoa học thần kinh đến hành vi tổ chức, cuốn sách đã làm rõ luận điểm: các mạng xã hội luôn có vai trò quan trọng hơn nhiều trong lịch sử và chưa bao giờ quan trọng đến vậy trong hai thời kỳ. Đầu tiên là “thời đại nối mạng” theo sau sự ra đời của máy in ở châu Âu vào cuối thế kỷ XV và kéo dài đến cuối thế kỷ XVIII.
Thời kỳ thứ hai – thời của chúng ta – bắt đầu từ những năm 1970. Giữa hai thời kỳ này, từ cuối những năm 1790 cho đến cuối những năm 1960, cho thấy xu hướng ngược lại: các tổ chức thứ bậc đã thiết lập lại quyền kiểm soát của mình và thành công trong việc dập tắt hoặc sáp nhập các mạng lưới. Đỉnh cao của quyền lực được tổ chức theo thứ bậc trên thực tế là giữa thế kỷ XX – kỷ nguyên của chế độ chuyên chế và chiến tranh tổng lực.
Đây có thể coi là một khảo sát về lịch sử tồn tại và hoạt động của các hệ thống mạng lưới trong xã hội con người: từ câu chuyện về các hội kín cho đến các “mạng lưới” được ứng dụng trong chiến tranh du kích ở Borneo và chiến tranh Việt Nam… trước thời Facebook; các mạng lưới giúp tạo ra những phát kiến đổi mới hay các hệ thống trật tự thứ bậc đã giúp phổ biến các phát minh đổi mới đó…
Trong khi đó “Sử ký” của Tư Mã Thiên đã mang đến một kho tài liệu vô giá, chính xác, với giá trị tổng hợp rất cao ghi lại các quy tắc, sự kiện chính trị, kinh tế và văn hóa của toàn bộ dân tộc Trung Hoa. Tác phẩm có tất cả 52 vạn chữ, 130 thiên, gồm năm phần: Bản kỷ, biểu, thư, thế gia, liệt truyện.
Dịch giả Phan Ngọc nhận xét: “Có thể nói, Tư Mã Thiên là sử gia đầu tiên trên thế giới viết về lịch sử của một nước. Trước đấy, ở Trung Quốc chỉ có những người viết lịch sử một công quốc hay kể lại một vài biến cố quan trọng như Xuân Thu thượng thư. Những bộ sử như Lịch sử của Hêrôđôt (484 TCN‑425 TCN). Lịch sử chiến tranh ở Pélpôônne của Thuxiđit (460 TCN‑395 TCN) trong văn học Hy Lạp hay Chiến tranh ở Gôlơ của Xêđa trong văn học La Mã, chẳng qua chỉ kể lại một trận đánh hay một chiến dịch”.
Đối với những người yêu văn học Trung Quốc, tác phẩm “Sử ký” đưa đến một cảm giác rất lạ. Ở đây có cái biến ảo của Nam Hoa Kinh, có cái rạch ròi của Hàn Phi Tử, có cái hoa lệ của Tả truyện, có cái nghiêm khắc của Xuân Thu. Nhưng còn một cái nữa mà văn học từ Hán trở về trước (trừ Kinh Thi) không thấy có, đó là ý thức bám chắc vào sự thực, không rời cuộc sống dù chỉ nửa bước. Có thể nói, “Sử ký” chính là Tư Mã Thiên sống, và con người ấy sống với những tư tưởng lớn.
Do đây là một tác phẩm khó với dung lương đồ sộ nên Omega+ chỉ lựa chọn dịch trọn vẹn những chương tiêu biểu nhất và lược bớt những đoạn ít quan trọng đối với văn học, với sự góp ý của dịch giả Phan Duy Tiếp.