Nọc kiến ba khoang độc hơn rắn hổ
- Vài tháng nay kiến ba khoang xuất hiện nhiều ở các khu chung cư tại Huế, TP HCM và Hà Nội. Khi tiếp xúc với loài côn trùng này, da của nhiều người bị tổn thương, ban đầu rát bỏng, sau đó là đau nhức nếu bị nhiễm trùng.
Tiến sĩ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, "kiến ba khoang" là cách gọi thông dụng của người dân vì nó có hình dạng giống loài kiến (kiến thuộc bộ cánh màng). Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Colleoptera (cánh cứng).
|
Một em bé bị kiến ba khoang đốt gây viêm da trên mặt. Ảnh: Đăng Nguyên. |
Loài côn trùng này có ba khoang trên thân gồm: màu đen - đỏ hoặc vàng nhạt - đen, dài khoảng 5-7 mm. Kiến ba khoang thường bay vào nơi có ánh sáng xanh.
"Khi phát hiện kiến ba khoang là thủ phạm gây ra bỏng rát trên da, con người nghĩ rằng chúng rất hung dữ và cần tiêu diệt. Thực tế chúng chỉ tình cờ bay vào nhà do tập tính hướng sáng, chứ không chủ định tấn công con người", tiến sĩ Lam nói.
Tuy nhiên, ông Lam lưu ý, trên bụng của loài này có hai tuyến độc chứa chất pederin. Theo tài liệu nước ngoài, pederin gấp độc 10 lần độc tố của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc với nọc kiến nhỏ và chỉ ngoài da nên không gây chết người.
Khi tiếp xúc với da người, kiến ba khoang tự tiết ra chất độc để phòng vệ. Chất độc thấm vào da người sẽ gây ra bỏng rộp, tiếp xúc ở mắt gây bỏng mắt hoặc mù tạm thời. Ngoài ra trên kiến ba khoang còn có một số vi khuẩn cộng sinh sống và tiết ra chất gây kích ứng da khi tiếp xúc.
Đã có từ lâu
Kiến ba khoang không phải bây giờ mới xuất hiện, mà ở bất kỳ nơi nào trên đồng ruộng Việt Nam đều thấy chúng, ông Lam cho biết. Kiến ba khoang là loài thiên địch được sử dụng để diệt trừ các sâu bệnh hại, bảo vệ mùa màng, tiêu diệt rầy nâu giúp người nông dân.
"Vì chúng rất có lợi, nên giới khoa học thường tìm biện pháp bảo vệ duy trì chúng giúp bà con nông dân, chứ không tiêu diệt", ông Lam nhấn mạnh.
Về lý do kiến ba khoang xuất hiện mật độ dày ở các khu chung cư Hà Nội, tiến sĩ Lam cho rằng, đây là mùa sinh sản của loài côn trùng này nên số lượng nhiều hơn so với bình thường, cùng với tính hướng sáng nên chúng bay vào nhà dân và gây ra các vết thương ngoài da. Nhưng chuyên gia này chưa thể lý giải vì sao năm nay, kiến ba khoang lại bay vào nơi người với số lượng lớn, khác các năm trước.
Tiến sĩ Vũ Văn Liên, từ Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, cho biết kiến ba khoang thường sống ở nơi ẩm ướt, khi trời mưa ngập nước chúng không còn chỗ cư trú nên bay vào trong nhà theo ánh đèn và đậu vào những vật dụng trong nhà như khăn tắm, khăn rửa mặt, giường chiếu chăn màn, quần áo.
"Kiến ba khoang xuất hiện nhiều hay ít phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố tác động như sự thay đổi về môi trường sống, thức ăn và biến đổi khí hậu khiến số lượng của côn trùng tăng giảm bất thường qua các năm", ông Liên nói. "Để đưa ra nguyên nhân về việc kiến ba khoang trong năm nay nhiều bất thường cần có thêm nghiên cứu cụ thể".
Để hạn chế kiến ba khoang vào nhà, các chuyên gia khuyên, buổi tối các gia đình cần đóng kín cửa, sử dụng đèn có ánh sáng vàng thay cho ánh sáng trắng/xanh. Khi bị kiến ba khoang bò lên người, không nên đập chết hoặc chà xát để tránh tình trạng nọc độc lan rộng trên da.
Khi thấy kiến ba khoang bám vào tường, có thể lấy chổi đuổi nó ra ngoài, còn nếu chúng bám vào người thì nhẹ nhàng lấy tay búng nó ra.
Tiến sĩ Vũ Văn Liên cho rằng, muốn tránh kiến ba khoang, các gia đình cần lắp lưới ở cửa sổ, cửa ra vào, lúc ngủ phải thả màn. Khi ngồi dưới ánh đèn và quạt, con người tránh đập quệt khi có cảm giác vướng trên da, vì khi bám vào, côn trùng có thể tiết ra axit làm bỏng da.
Ngoài ra, trước khi đi ngủ, các gia đình phải làm sạch giường chiếu, chăn màn, kiểm tra kỹ để đảm bảo không có côn trùng ở chăn, chiếu; kiểm tra khăn mặt và các đồ dùng trước khi tắm rửa và quần áo trước khi mặc.
Theo Vnexpress