Ninh Thuận: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh
Ngày 9/1, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
Trình bày báo cáo tại hội nghị ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Những thành quả đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được ban hành. Cùng với đó, các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh đi vào hoạt động sẽ là lợi thế thúc đẩy nguồn lực đầu tư phát triển.
Ninh Thuận đặt tiêu chí phấn đấu trong năm 2024 GRDP đạt 11-12%, GRDP bình quân đầu người đạt 101-102 triệu đồng. Với phương châm hành động của năm 2024 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động linh hoạt, tăng tốc hiệu quả”, UBND tỉnh Ninh Thuận đề ra 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu với 36 nhiệm vụ trọng tâm đột phá; 191 nhiệm vụ cụ thể và 54 công trình, dự án động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 của tỉnh Ninh Thuận |
Cụ thể, tập trung vào 3 khâu đột phá, gồm: Tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất -kinh doanh và đầu tư; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm nhất là dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng; tạo đột phá trong lĩnh vực đất đai để khơi thông nguồn lực; sáu lĩnh vực trọng tâm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, gồm: Thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kinh tế đô thị.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho biết, sẽ tiếp tục lấy doanh nghiệp là trung tâm, là động lực và mục tiêu cho sự phát triển, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; cắt giảm thực chất hơn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.
Theo đó, đối với điểm nghẽn về năng lượng, tỉnh Ninh Thuân sẽ tập trung hỗ trợ triển khai ngay các thủ tục đầu tư để khởi công đối với các dự án đã có trong Quy hoạch điện VIII sau khi Kế hoạch triển khai của Chính phủ ban hành. Tăng cường tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng truyền tải nhất là các khó khăn thuộc thẩm quyền địa phương như giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất lúa, đất rừng...
“Tỉnh Ninh Thuận, sẽ tiếp tục kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các cơ chế, chính sách về năng lượng để triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động thực hiện và đề xuất cơ chế, chính sách hình thành Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng khu vực Nam Trung bộ tại tỉnh Ninh Thuận theo định hướng phát triển tại Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt”, ông Nguyễn Long Biên cho hay.
Ảnh minh họa |
Đối với điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, sẽ rà soát, phân tích, đánh giá khó khăn, xác định giải pháp xử lý vấn đề trong tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp; trong tiếp cận đất đai; sự chồng lấn, bất cập, thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành...); lực lượng lao động phục vụ sản xuất kinh doanh...
“Tiếp tục duy trì 4 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch tỉnh làm tổ trưởng và 12 tổ công tác do thành viên UBND tỉnh làm tổ trưởng, tăng cường kiểm tra thực tế, đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh với phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”,… quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra cho năm 2024 cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025”, ông Nguyễn Long Biên khẳng định.
Song song đó, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp đột phá, quyết liệt để duy trì, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, tỉnh tiếp tục kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ. Tỉnh cũng quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội..., quyết tâm phấn đấu thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh giao.
Với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, năm 2023, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kịp thời kế hoạch triển khai, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm 5 khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng. Nhờ đó, kết thúc năm 2023, tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn tỉnh (giá so sánh 2010) đạt 52.699 tỷ đồng, tăng 10,46% so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng GRDP trong năm 2023 đạt 25.732 tỷ đồng, tăng 9,40% so với năm 2022, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành cả nước và thứ 2/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm 1,72% (kế hoạch giảm 1,5 - 2%)... Đây là tín hiệu đáng mừng, động lực để tỉnh tiếp tục ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2024. |