Khám phá hang động dài nhất Đông Nam Á ở tỉnh Đắk Nông |
Vườn Quốc gia Tà Đùng, có độ cao gần 2000m so với mực nước biển nên được ví như là “nóc nhà” của tỉnh Đắk Nông. Những năm qua, lực lượng quản lý bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Tà Đùng được xem là những “công binh” thầm lặng, không quản mưa rừng, gió núi lặng lẽ tháo gỡ hàng ngàn chiếc bẫy thú để bảo vệ cho hàng trăm loài động vật nơi đây.
Những “công binh” thầm lặng cứu thú rừng
Vườn Quốc gia Tà Đùng có diện tích hơn 21 ngàn ha, nằm giữa cao nguyên Đắk Nông và cao nguyên Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). Nơi đây thuộc vùng địa lý sinh học Nam Trung Bộ, có đỉnh núi cao nhất là 1.982m so với mực nước biển. Vườn Quốc gia Tà Đùng có hơn 1.406 loài thực vật và 574 loài động vật, trong đó nhiêu loài nằm trong sách đỏ.
Một ngày giữa tháng 8.2022, khi thời tiết đang là mùa mưa ở Tây Nguyên thì chúng tôi có dịp tham gia hành trình giải cứu thú rừng cùng cán bộ vườn Quốc gia Tà Đùng. Trên hành trình này, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những “ông tiên” thầm lặng đi gỡ bẫy, bảo vệ sự bình yên cho thú rừng ở giữa rừng thiêng, nước độc.
Trước khi đi gỡ bẫy, cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Tà Đùng đã chuẩn bị mang theo võng, thức ăn, nước uống, khẩu phần ăn đủ cho từ 5 – 7 ngày trong rừng. Chuẩn bị xuất phát, anh Nguyễn Xuân Lâm, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 đã hướng dẫn cho những người lần đầu tiên vào rừng như chúng tôi biết về hành trình di chuyển, cách nhận biết, phát hiện bẫy thú trong rừng sâu.
Sau hơn 2 giờ lội bộ, vượt sông, suối, đồi dốc hiểm trở, các thành viên trong đoàn bắt đầu phát hiện những chiếc bẫy thú được đặt khá tinh vi và chuyên nghiệp. Lần theo dấu vết của chiếc bẫy đầu tiên, các thành viên trong nhóm chia thành nhiều hướng đi tìm những chiếc bẫy còn lại để tháo gỡ.
Anh K’Lút, một thành viên trong đoàn chia sẻ: “Nhiều năm đi gỡ bẫy tôi có kinh nghiệm, quan sát trên các cây rừng được đánh dấu, làm ký hiệu để tìm bẫy. Tuy vậy, để phát hiện bẫy cũng không hề đơn giản bởi người đặt thường hay ngụy trang, che phủ cành lá rất kín đáo”.
Đang căng mắt dò tìm, một kiểm lâm viên trong đoàn phát hiện một chiếc bẫy thú đã bật, chỉ còn lại bộ xương động vật. không khí trong đoàn như chùng xuống.
Hình ảnh này càng thôi thúc các thành viên trong nhóm tiếp tục hành trình tìm kiếm, tháo gỡ bẫy. Sau một thời gian quần thảo trong rừng, nhiều chiếc bẫy thú làm bằng dây phanh xe đạp đã được lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Tà Đùng tìm thấy và phá bỏ.
Theo anh K’Lút thì trước đây chỉ mùa mưa người dân mới đặt bẫy nhiều, nhưng mấy năm nay người ta đặt bẫy quanh năm. Khu vực có nhiều thú thì chắc chắn nơi đó người dân sẽ đặt nhiều bẫy.
Có những địa bàn đi qua rồi không thấy bẫy nhưng hôm sau quay lại thì bẫy đã đặt la liệt. Chính vì thế, thời gian qua, lực lượng quản lý bảo vệ rừng xem công tác tuần tra, tháo gỡ bẫy là hoạt động thường xuyên. Do đó, để bảo vệ thú rừng tốt nhất, mỗi tuần lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị thực hiện từ 2 - 3 đợt tuần tra, phá bẫy tại các tiểu khu.
Cùng nhau bảo tồn đa dạng sinh học
Việc quản lý, bảo vệ rừng ở đây vô cùng khó khăn bởi địa bàn rộng, địa hình hiểm trở. Từ khi phát hiện thú rừng bị dính bẫy mỗi năm các cán bộ, nhân viên, kiểm lâm, bảo vệ rừng ở đây lại gánh thêm nhiệm vụ của những “người giải cứu” đi rà phá bẫy thú.
Chia sẻ về việc này, ông Khương Thành Long, Giám đốc Vườn Quốc gia Tà Đùng dẫn chúng tôi đi xem hàng ngàn chiếc bẫy thú đang được cất giữ kho trong nhà kho của đơn vị. Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, Vườn Quốc gia Tà Đùng đã thu gom được hơn 5 ngàn bẫy thú các loại. Ở đây có đủ loại bẫy to nhỏ đủ loại các xếp thành đống như: Bẫy kẹp, bẫy thòng lọng, bẫy dưới đất, bẫy trên cây và cả súng tự chế.
Cầm trên tay chiếc bẫy kẹp, ông Long cho hay: “Loại bẫy này thường được đặt ngụy trang dưới đất để bắt những loài thú lớn như heo rừng... Với những chiếc bẫy được thiết kế hết sức đặc biệt này thú có lớn cỡ nào nhưng khi mắc bẫy thì khó lòng mà trốn thoát được".
Ngoài ra, còn có hàng loạt bẫy trên cao chuyên bắt khỉ, vượn, chồn, sóc.... Những chiếc bẫy này cũng là những rủi ro mà các kiểm lâm và nhân viên đi tuần tra rừng phải đối mặt mỗi ngày. Nếu ai đó không biết mà dẫm phải thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhìn đống bẫy này nếu như không được phát hiện, tháo gỡ kịp thời thì sẽ có hàng ngàn con thú rừng mất mạng.
Tuy nhiên, đây là địa bàn giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng nên công tác phối hợp tuyên truyền, vận động, quản lý dân cư và tuần tra, kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn. Việc bắt tận tay các đối tượng đặt bẫy lại càng khó khăn hơn vì địa hình rộng, hiểm trở.
"Để hạn chế tình trạng săn bắt thú rừng, Vườn Quốc gia Tà Đùng đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với tổ nhận khoán tuần tra dài ngày nhằm kiểm tra đột xuất, phát hiện và phá bẫy kịp thời.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng thành lập đoàn đi xuống cơ sở vận động người dân giao nộp súng tự chế, ký cam kết không vào rừng săn bắt thú... Công việc bảo vệ thú rừng là hết sức cần thiết. Công việc này không riêng gì lực lượng chủ rừng mà phải có sự chung tay của toàn thế xã hội mới mang lại hiệu quả" - ông Long cho biết.
Từ năm 2018 đến nay, cán bộ kiểm lâm đã tháo gỡ hơn 5.000 chiếc bẫy thú nằm trong Vườn quốc gia Tà Đùng |
Những sợi dây cáp được sử dụng làm bẫy có thể tóm gọn những con thú to lớn, nặng hàng trăm kg |
Lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Tà Đùng thường xuyên tổ chức tuần tra bảo vệ rừng và thú rừng |
Những chiếc bẫy thú thường xuyên xuất hiện trong Vườn quốc gia Tà Đùng. |
Quá trình tuần tra, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Tà Đùng đã kịp thời giải cứu những con thú bị mắc bẫy |
Sau khi chữa lành vết thương, các con thú đã được lực lượng kiểm lâm thả về rừng |
Một con thú được giải cứu, thả trở về với rừng xanh. |