Những lá đơn xin thoát nghèo: “Thắp lửa” ý chí tự lực vươn lên
Từ câu chuyện của cụ Mơ
Nhắc đến chuyện “viết đơn xin thoát nghèo” chắc hẳn nhiều người còn nhớ đến hình ảnh cụ Đỗ Thị Mơ (thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, Thường Xuân, Thanh Hóa) lặn lội đạp xe đạp lên UBND xã xin ra khỏi hộ nghèo. Câu chuyện về cụ đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng về ý chí tự lực vươn lên.
Đáng nói, thời điểm lúc đó (tháng 9/2019) cụ Mơ đã 83 tuổi và chỉ sống một mình trong căn nhà cấp 4 rộng chừng 20m2. Điều đó cho thấy, việc cụ xin thoát nghèo không hẳn vì cụ đã hết khó khăn, không cần trợ giúp, nhưng sâu thẳm trong suy nghĩ cụ mong được tự thân, nhường suất nghèo cho những gia cảnh đáng thương hơn.
Sau câu chuyện của cụ Mơ, nhiều nơi trong cả nước, nhất là vùng dân tộc thiểu số, miền núi xuất hiện nhiều lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo.
Mô hình trồng cây mướp đắng tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn giúp nhiều hộ dân thoát nghèo |
Điển hình tại xã cụ Mơ sinh sống có 100 hộ dân cũng thoát nghèo theo tấm gương cụ; hay huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hóa) có hơn 120 lá đơn của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xin thoát nghèo. Nhờ hiệu ứng truyền thông, tấm gương của cụ đã lan tỏa tới tỉnh vùng cao Yên Bái, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum…
Ghi nhận tại xã Vũ Linh (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái): Năm 2021, toàn xã có 240 hộ nghèo, tương đương 16,6%. Nhờ triển khai tích cực chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo, cận nghèo như hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, triển khai hoạt động an sinh xã hội… đã trở thành đòn bẩy giúp nhiều hộ dân ở Vũ Linh thoát nghèo bền vững. Qua rà soát năm 2022, xã Vũ Linh đã giảm được 160 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 10,12%, trong đó có 8 hộ tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Hay tại huyện Bảo Yên (Lào Cai) - nơi có đông đồng bào dân tộc Dao cũng tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, bởi họ muốn nhường sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho những người khó khăn hơn.
Để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế; phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề mở các lớp học nghề, lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật để người dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
Những việc làm trên không chỉ góp phần tích cực giúp chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội mà còn là minh chứng cho những thay đổi trong nhận thức, tư duy của người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, cùng những cách làm sáng tạo trong công tác điều hành, chỉ đạo, sâu sát, quan tâm đến mọi mặt đời sống nhân dân của các cấp chính quyền cơ sở. Những cố gắng ấy đã thực sự khơi dậy thành công ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo trong từng người dân địa phương.
Đến việc bỏ dần những chính sách cho không
Với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhưng để việc hỗ trợ không còn mang tính chất “cho không” nhằm giúp người nghèo phải tích cực, chủ động thoát nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn mới đã chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo.
Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách giảm nghèo, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, khơi dậy tinh thần tự lực, chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân; đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Nếu như giai đoạn 2011 - 2015, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vẫn nặng tính chất hỗ trợ, nhiều chính sách cho không nên nhiều người dân trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước thì sang giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước đã bỏ dần những chính sách cho không, thay vào đó là hỗ trợ có điều kiện, cho vay vốn lãi suất thấp, tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức cho người dân. Thay vì hỗ trợ cây, con, giống thì nay để người dân tự quyết cách để họ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững phù hợp điều kiện địa phương, phong tục, tập quán cũng như khả năng của họ. Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, vốn.
Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Mục tiêu tổng quát: Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Chương trình đặt chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025: Giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.
Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững.
Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%...
Chương trình có 6 dự án thành phần gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 48.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng và huy động hợp pháp khác 14.310 tỷ đồng. |