Những kịch bản cho cuộc chiến ở Ukraine nếu ông Trump tái xuất
Theo Stratfor Worldview, nếu cựu Tổng thống /chu-de/donald-trump.topic trở lại Nhà Trắng, thì chính quyền của ông có thể ngừng ưu tiên hỗ trợ Ukraine để chuyển sang các ưu tiên chính sách khác. Điều này có thể làm giảm ảnh hưởng của Kiev so với Moscow trong đàm phán, đồng thời có nguy cơ khiến cuộc chiến tiếp diễn hoặc gây ra cuộc chiến mới trong tương lai. Ông Trump đã tuyên bố nhiều lần, nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ông sẽ nhanh chóng tìm cách chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Ông Trump trước đây nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt chiến sự Ukraine trong vòng 24 giờ nếu đắc cử Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP |
Trong bối cảnh đó, Stratfor Worldview đã đưa ra 4 kịch bản về tác động có thể có của Chính quyền Trump 2.0 đối với cuộc chiến ở Ukraine trong giai đoạn từ năm 2025 trở đi, cụ thể:
Kịch bản thứ nhất, đàm phán ngừng bắn sụp đổ, Mỹ giảm hỗ trợ cho Ukraine, nhưng Ukraine tiếp tục chiến đấu. Theo kịch bản này, nguy cơ Mỹ dưới thời Chính quyền Trump 2.0 sẽ giảm hỗ trợ tài chính và quân sự, buộc Ukraine phải đàm phán với Nga.
Ông Trump và ông Putin cũng có thể hội đàm về cuộc chiến. Chính quyền Trump 2.0 nhiều khả năng sẽ hành động trước để giúp Kiev giành ưu thế trong đàm phán, có thể bằng cách giảm thiểu các hạn chế đối với việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán cuối cùng sẽ đổ vỡ vì một hoặc cả hai bên tin rằng họ sẽ có ưu thế hơn trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Đồng thời, Ukraine tiếp tục thúc đẩy việc giành lại thêm nhiều lãnh thổ.
Trong khi đó, Nga vẫn nhất quyết sáp nhập lãnh thổ Ukraine và hạn chế sự hỗ trợ của phương Tây, bao gồm cả việc đóng băng cơ hội để Ukraine gia nhập NATO, với giả định Kiev chắc chắn sẽ không nhận được thêm sự hỗ trợ nào từ Chính quyền Trump hay những đảm bảo an ninh mạnh mẽ hơn từ NATO.
Nếu không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp về các yêu cầu chính, thì các cuộc đàm phán ngừng bắn sẽ sụp đổ mà không đi đến một thỏa thuận nào. Do đó, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ sẽ từ chối các gói hỗ trợ bổ sung tiếp theo cho Ukraine, hoặc làm chậm và thu hẹp quy mô của gói hỗ trợ mới, ngừng hỗ trợ về tài chính cũng như các hệ thống và đạn dược quan trọng.
Khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng đặt ra câu hỏi lớn cho sự tiếp tục viện trợ của Mỹ đối với Kiev cho chiến sự Ukraine. Ảnh: RIA |
Kịch bản thứ hai, đàm phán ngừng bắn sụp đổ, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine, củng cố vị thế đàm phán và an ninh của Ukraine.
Theo kịch bản này, các cuộc đàm phán ngừng bắn cũng sụp đổ, nhưng Mỹ quyết định duy trì hoặc thậm chí tăng cường hỗ trợ quân sự quan trọng cho Ukraine vì sợ việc ngừng viện trợ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng của Ukraine trong việc duy trì chỗ đứng trên chiến trường, từ đó khuyến khích Nga kéo dài cuộc chiến và đặt ra mối đe dọa lớn hơn cho các nước NATO. Kết quả là chiến sự vẫn tiếp diễn, gây tổn thất kinh tế, nhân khẩu học và quân sự ngày càng lớn cho cả Nga và Ukraine.
Kịch bản thứ ba, các cuộc đàm phán ngừng bắn tạm thời chấm dứt các hành động thù địch, tạo cơ hội để Nga tái khởi động cuộc chiến trong tương lai.
Theo kịch bản này, việc Mỹ đe dọa cắt giảm hỗ trợ sẽ buộc Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán. Trong khi Nga ra tín hiệu sẵn sàng từ bỏ các yêu sách đối với lãnh thổ Ukraine mà nước này không kiểm soát ở khu vực Kherson và Zaporizhzhya để đổi lấy những hạn chế về hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine, bao gồm cả việc đóng băng không chính thức nhưng vô thời hạn nguyện vọng của Ukraine là trở thành thành viên NATO.
Nga cuối cùng sẽ đồng ý ngừng bắn, với tính toán điều đó sẽ dẫn đến việc châu Âu và Mỹ cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine, như lập luận của một số chính phủ và phong trào chính trị phương Tây rằng một giải pháp đạt được thông qua đàm phán là trong tầm tay và cần được khuyến khích bằng cách chú ý đến yêu cầu của Nga là giảm tốc độ hỗ trợ quân sự và đóng băng cơ hội gia nhập NATO đối với Ukraine.
Tuy nhiên, khi Chính quyền Trump 2.0 và chính phủ các nước khác trong NATO ngừng cung cấp các loại khí tài đã hứa cho Ukraine, đấu đá chính trị nội bộ sẽ trở nên ngày càng rõ nét bên trong và giữa các quốc gia thành viên NATO. Lệnh ngừng bắn cho phép Nga củng cố các khu vực bị chiếm đóng ở Ukraine và chuẩn bị cho việc tái leo thang chiến sự vào thời điểm Moscow lựa chọn.
Kịch bản thứ tư, Ukraine trở nên “táo bạo” hơn trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, có nguy cơ dẫn tới đợt leo thang nghiêm trọng và xung đột Nga-NATO.
Theo kịch bản này, Kiev tính toán sai lầm và cho rằng cả nguy cơ Mỹ giảm hỗ trợ lẫn nguy cơ Ukraine đầu hàng Nga tại bàn đàm phán đều tồn tại. Kiev tin họ không có sự đảm bảo an ninh chính trị hay vật chất nào có thể ngăn chặn Nga tiếp tục cuộc chiến trong tương lai. Do đó, Kiev ngày càng trở nên liều lĩnh trong việc buộc Nga phải trả giá đắt hơn và thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ phương Tây, ngay cả khi điều này có nguy cơ dẫn đến sự leo thang các hành động “ăn miếng trả miếng” của Moscow với Kiev hoặc NATO.
Kịch bản này có thể liên quan đến việc Kiev bắt đầu một vòng xoáy leo thang các hành động “ăn miếng trả miếng” với Nga, có nguy cơ gây ra xung đột Nga-NATO lớn hơn do sự leo thang có chủ ý hoặc sự lan rộng ngẫu nhiên của cuộc xung đột ở Ukraine.