Những gam màu sáng quay trở lại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
Bất động sản nghỉ dưỡng đang sôi động trở lại
Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương - cho biết: Hoạt động kinh doanh khách sạn và resort đang khôi phục trở lại sau đại dịch. Công suất và giá phòng ghi nhận sự cải thiện ở khắp mọi nơi trên thế giới và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
“Kỳ nghỉ hè năm nay được xem là bước tái khởi động đầy lạc quan tại các điểm đến du lịch”- ông Mauro Gasparotti dự báo.
Theo đó, tại các địa điểm ven biển như Vũng Tàu - Hồ Tràm, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, trong mùa hè năm nay, nhiều khách sạn và resort ghi nhận tốc độ hồi phục ấn tượng, một số resort thành công trong việc thu hút khách nội địa thậm chí kỳ vọng đạt mức công suất 50-70%.
Ảnh minh họa |
Và thực tế tình hình du lịch 7 tháng đầu năm nay cũng cho thấy sự bùng nổ mạnh mẽ củadu lịch nội địa khi lượng khách đạt 71,8 triệu lượt người, tăng 1,795 lần lượng khách của cả năm 2021.
Các chuyên gia dự báo rằng, sự tăng trưởng này sẽ góp phần thúc đẩy ngành bất động sản nghỉ dưỡng sôi động trở lại. Tuy nhiên, để hoạt động du lịch có thể đạt được mức như năm 2019 chúng ta vẫn phải chờ đến khi thị trường khách quốc tế hoàn toàn khôi phục.
Những thách thức mới hậu đại dịch
Có ba yếu tố chính đang cản trở quá trình khôi phục của nguồn cầu du lịch là lạm phát, chi phí chuyến bay gia tăng và sự chậm khôi phục của hai thị trường khách Trung Quốc và khách Nga.
“Chúng tôi kỳ vọng nguồn cầu sẽ hoàn toàn khôi phục vào năm 2024. Tuy nhiên bên cạnh vấn đề nguồn cầu, ngành du lịch Việt Nam còn phải phải đối mặt với thách thức khác là tình trạng dư thừa nguồn cung. Chúng tôi ước tính trong ba năm tới, nguồn cung tại các điểm đến du lịch trọng điểm sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 20% mỗi năm. Với tốc độ này, nếu nguồn cầu không tăng theo kịp thì có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, qua đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công suất phòng của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước”, Mauro Gasparotti phân tích.
Ngoài ra, vị chuyên gia đánh giá hiện nay thị trường Việt Nam có rất nhiều dự án cùng cạnh tranh trong một phân khúc với mô hình và sản phẩm tương tự nhau. Nhiều chủ đầu tư vẫn chưa thực sự chú trọng đến chất lượng, mà chỉ tập trung theo đuổi số lượng và cách tiếp cận “sao chép - cắt dán”, khiến cho các dự án bị thiếu điểm nhấn.
Bên cạnh đó, thị trường hiện chủ yếu chú trọng vào quy mô, với các dự án có mật độ xây dựng dày đặc và tập trung quá nhiều vào các sản phẩm bán. Nhiều chủ đầu tư chạy đua phát triển các sản phẩm “luxury” và “wellness” nhưng chưa thật sự hiểu đúng các khái niệm này cũng như thiếu sự cân nhắc đến các yếu tố cộng hưởng xung quanh. Một điển hình có thể thấy rõ trong những năm gần đây là sự hình thành của các dự án phức hợp quy mô lớn với sản phẩm shophouse chiếm chủ đạo. Số lượng sản phẩm lớn sẽ gây nhiều khó khăn cho quá trình vận hành cũng như kinh doanh cho thuê trừ khi dự án được hoạch định rất cẩn trọng.
Do đó, để thị trường khôi phục cần có sự chung tay của cơ quan ban ngành, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chuyên môn nhằm đưa ra những dự án chất lượng, nắm bắt tốt các xu hướng trên thị trường. Có như thế, Việt Nam mới có thể xây dựng hình ảnh điểm đến trên bản đồ du lịch quốc tế và giúp ngành du lịch - nghỉ dưỡng Việt Nam phát triển một cách bền vững.
Đầu vào bất động sản nghỉ dưỡng tăng vọt Sau hơn 2 năm dài chịu tác động nặng nề của đại dịch, ngành du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á Thái Bình Dương đã có nhiều tín hiệu tích cực. Theo báo cáo về Thị trường Nghỉ dưỡng của Savills châu Á - Thái Bình Dương công bố tháng 6/2022, khối lượng đầu tư vào khách sạn khu vực châu Á Thái Bình Dương đạt 14,9 tỷ USD với 459 thương vụ vào năm 2021, vượt qua mức trung bình 5 năm trước đại dịch là 14,6 tỷ USD. Thị trường tiềm năng này cũng chứng kiến sự gia tăng cả về khối lượng đầu tư và số lượng giao dịch trong năm 2021, lần lượt tăng 42,1% và 25,8% theo năm. Báo cáo ghi nhận một xu hướng đặc biệt là ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu thanh lý các tài sản không cốt lõi để thu hồi vốn. Tiêu biểu trong số đó là việc hai tập đoàn Nhật Bản, Tập đoàn Kintetsu và Tập đoàn Seibu, được cho là đã chuyển nhượng danh mục đầu tư khách sạn của họ cho các quỹ nước ngoài lần lượt là 500 triệu USD và 1,2 tỷ USD trong năm qua. Sự quan tâm của nhà đầu tư vẫn mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2022, khoảng cách giữa người bán và người mua dường như đã được thu hẹp. Khối lượng đầu tư tăng lên 5 tỷ USD trong quý I/2022, tăng 5,3% theo quý và 86,9% theo năm. |