Những cách giải rượu bia thần tốc hiệu quả
Say rượu gây nguy hại tới sức khỏe và mất an toàn tham gia giao thông, vì rượu tác động đến hệ thần kinh, làm mất kiểm soát vận động, hành vi, lời nói… Vì vậy, việc biết cách giải rượu bia đúng lúc là cần thiết.
Những cách giải rượu bia thần tốc hiệu quả |
Một số mẹo giải bia, rượu mang lại hiệu quả tức thì
Giải rượu bằng nước mía: Trong mía có tính lạnh, vị ngọt mát, giúp người say có thể giải nhiệt, giải độc cồn trong rượu bia. Ngoài ra, mía cung cấp một lượng đường nước và đường cho cơ thể, bù lại lượng mà cơ thể đã mất trong khi uống say. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng nước ép mía tươi chứ không dùng đường chế từ mía đã tinh luyện để giải rượu.
Lưu ý, phương pháp này không được khuyến khích với những bệnh nhân đang mắc bệnh về huyết áp hay tiểu đường. Nguyên nhân là do nước mía có chứa lượng đường cao, có thể khiến các triệu chứng của bệnh thêm trầm trọng.
Nước ép cà chua: Một nghiên cứu tại Nhật đã chứng minh nước ép cà chua có thể giảm nồng độ cồn trong cơ thể, kích hoạt các enzim chuyển hóa rượu, hạn chế mất tỉnh táo và giải rượu nhanh chóng.
Sau khi nôn, hãy uống một cốc nước ép cà chua nguyên chất. Trong cà chua có nhiều dưỡng chất cung cấp chất xơ và vitamin bù lại cho lượng nguyên tố đã mất.
Giải rượu bằng nước chanh (hoặc cam) pha mật ong: Các loại trái cây nhiều vị chua như cam hoặc chanh có khả năng giải độc cồn có trong rượu bia. Bên cạnh đó, mật ong chứa nguồn kali và chất chống oxy hóa giàu có, có tác dụng đẩy lùi tình trạng nôn nao và khó chịu trong cơ thể.
Vì vậy, hãy uống 1 cốc nước chanh hoặc cam pha 2 muỗng mật ong để giải rượu bia. Nếu sáng hôm sau vẫn còn thấy khó chịu, hãy ăn sáng bằng bánh mì và mật ong.
Uống nhiều nước: Nếu không có quá nhiều thời gian để chuẩn bị, chỉ cần uống thật nhiều nước lọc. Đây là cách giải rượu đơn giản và nhanh chóng nhất.
TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết: Uống nhiều nước là cách giải rượu đơn giản, dễ thực hiện. Trong đó, uống nước lọc sẽ giúp bù đắp lượng nước đã mất, đồng thời pha loãng nồng độ cồn trong máu giúp đỡ say hơn.
Uống nước dừa tươi: Nước dừa tươi không chỉ là một loại nước giải khát mà còn có chứa natri, kali và một số khoáng chất quan trọng khác có tác dụng như một loại nước điện giải tự nhiên giúp người say rượu bù nước, điện giải, nhanh chóng lấy lại sự tỉnh táo.
Nước đậu xanh hoặc đậu đen giúp cơ thể tỉnh táo, giảm mệt mỏi khi bị say rượu do các loại đậu thường có vị ngọt, tính hàn, không độc, giúp thanh nhiệt, giải độc tố tốt.
Cách làm rất đơn giản, ninh nhừ một ít đậu đen hoặc đậu xanh rồi chắt lấy nước uống. Dùng nước đậu hoặc ăn cả cái để giải rượu.
Ăn cháo, soup: Khi say rượu, nên cho người say rượu ăn các đồ ăn loãng, nóng như cháo trắng ( hoặc có thể kết hợp với đậu xanh). Đây là một món ăn dễ chế biến, dễ ăn và dễ hấp thụ rất phù hợp với người bị say rượu. Thêm nữa, trong gạo cũng chứa carbon, có khả năng hấp thu cồn trong rượu, giúp người say rượu nhanh tỉnh táo.
Trứng: Khi uống rượu, cơ thể mất nhiều vitamin B. Một quả trứng có thể cung cấp 33% nhu cầu vitamin B12 của cơ thể để phục hồi sức khỏe sau khi uống rượu.
Trứng chứa một lượng lớn cysteine, giúp thải độc tố như ammonia và mangan trong cơ thể. Lòng đỏ trứng có nhiều chất dinh dưỡng như canxi, vitamin D, sản sinh ra acetylcholine tốt cho não, tránh được tình trạng mệt mỏi vào ngày hôm sau.
Bánh mì chứa một lượng lớn carbon có tác dụng như một bộ lọc trong cơ thể, giúp hấp thụ chất cồn, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng say rượu. Bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt còn chứa rất nhiều vitamin B1 giúp hạn chế triệu chứng nôn nao.
Bài thuốc dân gian giải rượu, bia từ gừng tươi
Theo Y học, củ gừng có vị cay, tính ấm, có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp chống viêm, giảm đau nhức xương khớp, bảo vệ sức khỏe răng miệng. Đặc biệt, dùng củ gừng rất tốt cho các trường hợp say rượu bia.
Nước gừng tươi: Đây là loại thực phẩm không chỉ được dùng trong chế biến món ăn mà còn “góp mặt” trong nhiều bài thuốc dân gian. Nước gừng có tính nóng có thể giảm các triệu chứng đau nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa,… ở người say rượu.
Cách thực hiện rất đơn giản: Rửa sạch gừng tươi, sau đó thái lát mỏng. Dùng gừng đã được thái lát mỏng để đun với nước uống. Gừng có tính nóng nên sẽ giúp tăng cường lưu thông máu, khắc phục những cơn đau đầu, buồn nôn. Cũng có thể cho thêm mật ong vào nước gừng để có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa và nhanh chóng giảm nồng độ cồn trong cơ thể.
Chanh gừng mật ong: Chuẩn bị 1 củ gừng tươi rửa sạch, thái thành các lát mỏng. Tiếp theo, bắc một nồi nước sạch đun cho đến khi sôi. Khi nước sôi thì bỏ các lát gừng vào cùng với 2 - 3 thìa mật ong. Nhớ khuấy đều để các thành phần trong gừng hòa tan vào nước tốt hơn. Tắt bếp để nguội. Đợi đến khi nước nguội hơn, cho thêm 1 - 2 lát chanh thái mỏng là có thể dùng được.
Nước gừng chanh mật ong sẽ bù nước cho cơ thể, giúp ruột không bị cồn cào và giải rượu một cách nhanh chóng. Mẹo giải rượu bằng chanh gừng mật ong là thức uống thơm ngon, đậm đà đáng để thử, nhưng không nên bỏ chanh vào khi nước còn đang sôi vì sẽ khiến nước bị đắng.
Một vài lưu ý khi dùng gừng giải rượu: Tuy gừng là phương thuốc giải rượu tốt, song vẫn có một vài lưu ý khi sử dụng tránh gây phản tác dụng, đó là không nên sử dụng quá nhiều gừng (dưới 5 gram); không nên dùng gừng trong thời gian dài; không nên ăn gừng đã bị đập dập quá lâu (vì củ gừng tươi sau khi đập dập để lâu có thể sinh ra độc tố không tốt cho sức khỏe); sử dụng gừng tươi sẽ cho hiệu quả giải rượu tốt hơn là gừng đã sấy khô; không nên gọt bỏ vỏ gừng vì vỏ gừng có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe; không dùng gừng cho người bị chảy máu cam, chảy máu răng …
Điều đặc biệt cấm kị sử dụng với người đã uống nhiều bia, rượu
Không nên sử dụng những đồ uống có ga hoặc nước soda vì những đồ uống này sẽ làm hàm lượng carbon dioxide trong dạ dày và ruột non, làm tăng nguy cơ ngộ độc.
Không sử dụng trà/cà phê sau khi say vì caffeine trong hai loại đồ uống này sẽ ức chế thần kinh, càng gây mệt mỏi đối với người say rượu. Ngoài ra, cà phê còn làm cơ thể mất nhiều nước hơn, trong khi rượu đã làm cơ thể thiếu nước. Trà khiến thận làm việc vất vả hơn, do phải đào thải lượng trà và rượu trong cơ thể.