Thanh Hóa: 400 cán bộ, chiến sĩ bảo đảm an ninh Lễ Kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc Tổng Bí thư Tô Lâm dự Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau |
Tối 16/11, tại Tượng đài “Con tàu Tập kết ra Bắc” Cảng Lạch Hới, TP. Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa); Tượng đài Chuyến tàu Tập kết ra Bắc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau); Nhà hát TP. Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình Cầu truyền hình trực tiếp mang tên “Tình sâu nghĩa nặng” kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
Cầu truyền hình trực tiếp mang tên “Tình sâu nghĩa nặng” kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc tại điểm cầu Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu |
Dự chương trình tại điểm cầu tỉnh Cà Mau có các đồng chí: Tổng Bí thư Tô Lâm; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc. Dự chương trình tại điểm cầu TP. Hải Phòng có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình.
Còn tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai.
Các địa biểu tham dự sự kiện. Ảnh: Minh Hiếu |
Đây là chương trình ghi nhớ về những dấu son lịch sử của dân tộc, với những cống hiến, những hy sinh của các thế hệ đi trước đã tạo nên nền độc lập, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc. Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng. Quyết định này đã đánh dấu mốc một cuộc dịch chuyển lực lượng lịch sử, một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam, góp phần cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Sự kiện Tập kết ra Bắc đã thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc tạo nền tảng cho việc xây dựng miền Bắc, củng cố lực lượng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Đồng thời, sự kiện Tập kết ra Bắc cũng trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng cao cả vẫn luôn sáng ngời.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc gây ấn tượng tốt với đông đảo người dân. Ảnh: Minh Hiếu |
Điểm cầu Thanh Hóa - Cảng Lạch Hới (nay là phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn) là nơi đầu tiên của miền Bắc đón tiếp đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc. Cách đây 70 năm, nơi này đã nhiều lần đón hàng nghìn thương, bệnh binh, cán bộ, học sinh và các gia đình tập kết ra Bắc. Cảng Lạch Hới đã trở thành nơi chứa bao ký ức về những tháng ngày học tập, lao động sôi nổi của con em miền Nam; là nơi ươm mầm những “hạt giống đỏ” tích cực cống hiến và dựng xây đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Sự kiện thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: Minh Hiếu |
Chương trình cầu truyền hình gồm 3 chương. Chương 1: Khát vọng thống nhất, tái hiện bối cảnh lịch sử của sự kiện Tập kết ra Bắc, những quyết sách đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc chuyển quân. Chương 2: Một dải sắt son, là những câu chuyện đồng bào miền Bắc dù còn khó khăn, thiếu thốn nhưng luôn dành những gì tốt nhất cho những người con miền Nam; thể hiện tinh thần trước quyết định tập kết ra Bắc, lực lượng quân và dân cả nước cùng chung một lòng, quyết tâm thực hiện bằng cả trái tim và nhiệt huyết. Chương 3: Rạng danh Việt Nam, truyền tải ý nghĩa của sự kiện Tập kết ra Bắc trở thành một bài học lịch sử cho việc xây dựng một kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam.
Với thời lượng hơn 90 phút, chương trình không chỉ tái hiện sâu sắc, sinh động một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, không chỉ góp phần làm nên thắng lợi của Cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, mà còn có ý nghĩa to lớn trong các giai đoạn cách mạng sau này.