Nhộn nhịp chợ trâu xứ Nghệ
Độc đáo phiên chợ trâu
3 giờ sáng, khi không gian vẫn bao trùm bởi màn đêm rét mướt, thì những con đường ở xã Đại Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) đã rộn rã tiếng người trò chuyện, tiếng xe cộ qua lại và cả tiếng bò rống. Những đàn trâu, bò nối đuôi nhau, những chiếc xe tải đủ trọng lượng chở gia súc nhộn nhịp… như xé màn đêm ở vùng quê này. Ai nấy đều hối hả, bởi chỉ ít phút nữa, một trong những phiên chợ trâu cuối năm sẽ bắt đầu.
Chẳng biết từ bao giờ, chợ này có quy định, mỗi tháng chỉ có 6 phiên, vào các ngày 1, 6, 11,16, 21, 26 Âm lịch. Bất kể mùa đông hay hè, trời mưa hay gió, cứ 3- 4h sáng, những cuộc giao dịch bắt đầu. Nhưng để kiếm được một vị trí đẹp trong chợ, nhiều người đến trước cả vài tiếng để chiếm chỗ. Chưa đến 8h sáng thì chợ bắt đầu tan.
Gọi là chợ trâu, nhưng ở đây bán cả trâu lẫn bò, được chia ra 2 khu vực riêng. Khi phiên chợ sắp bắt đầu, ngoài cổng, những đoàn xe tải nối đuôi nhau xếp hàng chờ đến lượt được vào. Mỗi phiên giao dịch hàng nghìn con, nhưng Ban quản lý chợ chỉ có một người thu phí ở cổng, nên việc ách tắc là không tránh khỏi.
Cạnh cổng chợ, một cậu bé chừng 12 tuổi dắt theo 3 con trâu đứng lấp ló sau bóng tối, ánh mắt không ngừng quan sát người thu phí. Chỉ chờ ít giây người thu phí tập trung đếm tiền lẻ trả lại cho khách, cậu bé đã nhanh chóng thả dây thừng, vỗ mạnh vào đàn trâu. Trong tích tắc, 3 con trâu của cậu chạy lọt qua cổng. “Để đưa mỗi con trâu vào chợ bán, phải mất phí 20.000 đồng, hôm nay em coi như lãi 60.000 đồng”, cậu bé nhanh nhảu khoe khi chúng tôi bắt chuyện.
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, cậu bé này thức dậy từ 2h sáng để đi dắt trâu thuê cho thương lái. Dắt 3 con trâu vượt quãng đường gần 2km trong đêm tối đến chợ, cậu được trả 50.000 đồng tiền công.
Nhộn nhịp giao dịch
4h sáng, bên trong chợ Ú gần như không còn chỗ trống nào. Khoảng 2.000 con trâu, bò đứng chen chúc nhau, để khách hàng đến xem.
Khách hàng xem trâu đều cạy miệng để đếm răng, nhằm xác định tuổi của chúng. Sau đó mới xem vai, hông, háng... “Một con trâu đẹp, yêu cầu trước tiên phải đang ít tuổi, để còn phát triển tiếp. Rồi vai và hông phải nở, lông mượt…”, Phan Chung - một thương lái có tiếng ở chợ Ú - cho biết.
Người đàn bà Đại Sơn mang trâu đi bán |
Chung cho biết thêm, hầu hết trâu, bò được bán ở chợ Ú đều từ nơi khác đến. Trong đó chủ yếu từ các nước: Lào, Thái Lan, Myanmar, chỉ một số ít đến từ các huyện trên địa bàn và một số tỉnh ở miền Nam. Phần lớn những con trâu trước khi đưa ra chợ bán đều được bơm nước. Mục đích của tiểu xảo này không chỉ để con trâu múp máp, mà lông của chúng cũng trở nên bóng mượt, bắt mắt hơn. Tất nhiên, những tiểu xảo này khó qua mặt được những người mua có kinh nghiệm.
Cùng với mua - bán, giao dịch thì phiên chợ Ú không thiếu những trận chọi trâu đầy kịch tính. Những cặp trâu đực lớn nhất chợ sẽ được dắt ra một sân bóng cạnh đó để so tài. Việc chọi trâu không chỉ cho vui, mà còn cho các thương lái cá độ. “Mỗi con trâu đực lớn có giá khoảng 90 triệu đồng, nhưng nếu sau trận chọi trâu, con nào giỏi có thể được thương lái mua về làm trâu chọi. Lúc đó giá tăng lên gấp đôi”, một thương lái ở chợ nói.
Không phải chủ trâu nào cũng may mắn bán được hàng. Nhiều người chờ đến cuối phiên chợ vẫn không có khách trả giá hời. Đành chấp nhận mất tiền phí rồi dắt trâu về tiếp tục vỗ béo, chờ đến phiên chợ tiếp theo sau 5 ngày nữa.
Ông Nguyễn Cảnh Lâm - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn - cho biết, nghề buôn trâu, bò ở Đại Sơn có từ lâu đời. Trước đây, chưa có chợ, trâu, bò thường tập kết ở các điểm lẻ dọc đường để rao bán. Đến những năm đầu thập niên 80, chợ Ú mới được mở, rồi trâu, bò được đưa vào đây để bán. Hiện nay, mỗi phiên chợ Ú giao dịch khoảng 1.800 con.
Những năm gần đây, nhờ chợ trâu nhộn nhịp đã mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Không ít gia đình giàu lên sau một thời gian làm nghề này. Nhiều công việc cũng ăn theo chợ trâu, như nghề dắt trâu thuê, nghề chăn trâu, nghề đi săn rồi chăm trâu chọi… Bởi thế, đời sống của bà con quanh chợ cũng ấm no hơn.