Thứ bảy 09/11/2024 00:35

Nhóm thủ công mỹ nghệ chưa thực sự nổi trội về lượng và chất

Đây là nhận định của ông Vũ Hy Thiều - thành viên Ban giám khảo bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 với phóng viên Báo Công Thương về nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN).

TCMN là nhóm sản phẩm tiêu biểu tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021. Xin ông cho biết một số nhận định khái quát về nhóm sản phẩm này?

ông Vũ Hy Thiều - thành viên Ban giám khảo bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021

Kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 có 52 sản phẩm TCMN tham gia. Sau khi nghiên cứu hồ sơ và hiện vật, Ban giám khảo đã lựa chọn được 40 sản phẩm để Hội đồng bình chọn xem xét.

Trong điều kiện các nghề thủ công truyền thống phát triển rộng khắp với hàng nghìn làng nghề và cơ sở sản xuất thì con số đó là quá ít ỏi. Nhiều tỉnh, thành phố có các nghề thủ công phát triển nhưng không thấy tham gia bình chọn, như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Nam Định, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang…

Trong 40 sản phẩm được lựa chọn, một nửa là sản phẩm mây, tre, cói, rất đúng với thế mạnh của các nghề thủ công. Một số nghề phát triển mạnh khác như gốm, đồ gỗ, kim loại… được giới thiệu quá ít. Sản phẩm thủ công của các dân tộc miền núi lại càng ít. Nếu so với các sản phẩm TCMN hiện đang xuất khẩu hay bán trên thị trường thì các sản phẩm được lựa chọn có khá hơn đôi chút, nhưng chưa thực sự vượt trội, chưa thể hiện rõ tính tiêu biểu cho các sản phẩm TCMN nước ta hiện nay.

Tuy vậy, cũng có một số sản phẩm thực sự tiêu biểu như: Lụa cao cấp của cơ sở Sơn Thủy (Hà Nam), lụa của Công ty Bảo Lộc (Lâm Đồng), tre đan dân dụng của Hợp tác xã Bao La (Thừa Thiên Huế), bộ chao đèn tre đan của Công ty Đức Phong (Nghệ An), hộp sơn mài của làng Hạ Thái (Hà Nội), bộ ga, gối thêu của Công ty Mặt Trời Xanh (Ninh Bình)…

Vậy về tính mới và sự bắt nhịp của các sản phẩm nhóm TCMN Việt Nam với xu thế tiêu dùng của thế giới, thưa ông?

Nhìn chung, tính mới trong các sản phẩm thủ công chưa thể hiện rõ nét. Tuy có một số sản phẩm mới nhưng chỉ là cải tiến chút ít từ những sản phẩm đã có nên vẫn còn hạn chế. Bộ túi mây đan hoa văn có hình thức rất đẹp, nhưng lại không tiện dụng; đũa đước, đũa buông, chiếu cói, giỏ lục bình tuy khai thác tốt nguyên liệu địa phương nhưng mẫu mã lại không mới; bộ dụng cụ nhà bếp, mặt bàn học sinh, bom rượu gỗ sồi đã hướng vào nhu cầu tiêu dùng mới nhưng còn lúng túng về mẫu mã; một số sản phẩm đẹp nhưng không có khả năng sản xuất số lượng lớn.

Tính mới trong các sản phẩm thủ công chưa thể hiện rõ nét

Những hạn chế về công năng sử dụng, mẫu mã sản phẩm, kỹ thuật sản xuất khiến sản phẩm TCMN rất khó bắt nhịp được với nhu cầu của thị trường thế giới. Hoặc nói đúng ra, các nghề thủ công vẫn loanh quanh ở thị trường giá rẻ, hoặc chỉ gia công theo mẫu đặt hàng.

Theo ông, đâu là điểm mạnh và điểm yếu của sản phẩm TCMN tham gia bình chọn? Giải pháp cần thiết để khắc phục những điểm yếu này là gì?

Những sản phẩm TCMN tham gia bình chọn năm nay có một số điểm mạnh chính. Trong đó, khai thác tốt nguồn nguyên liệu địa phương; khai thác tốt kỹ thuật truyền thống để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Đặc biệt, một số sản phẩm rất có tính sáng tạo, trong đó nổi bật nhất là các sản phẩm làm từ mo cau của tỉnh Quảng Ngãi, hay mẫu túi, khay đan mây thành hoa văn của huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Song song với đó, sản phẩm tham gia bình chọn vẫn tồn tại những yếu điểm. Trong đó, hầu hết các sản phẩm chưa thực sự mới mẻ, về hình thức và chất lượng sản phẩm chưa nổi trội hơn nhiều sản phẩm có trên thị trường, chưa thực sự tiêu biểu cho các làng nghề, cơ sở sản xuất. Một số sản phẩm vẫn thuần túy làm thủ công với số lượng ít, chưa thực sự đạt với tên gọi là sản phẩm CNNT. Phần lớn các sản phẩm chưa có sự sáng tạo trong thiết kế, vẫn là hình dáng cũ, kết cấu kỹ thuật cũ, công năng sử dụng cũ, có cải tiến chút ít.

Điểm yếu nhất của các sản phẩm TCMN hiện nay là thiết kế sản phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công không có người thiết kế chuyên nghiệp, mà chỉ dựa vào nghệ nhân, thợ giỏi trong xưởng. Các nghệ nhân không nắm được những thông tin cần thiết về thị trường, lại không có kỹ năng về thiết kế, chỉ sáng tạo mày mò theo thói quen. Vì thế nên khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng những người thiết kế chuyên nghiệp. Nơi không có điều kiện thì nên tổ chức tư vấn, bồi dưỡng về kỹ năng thiết kế sản phẩm cho các nghệ nhân.

Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không nắm được nhu cầu của thị trường, do đó họ không thể định hướng được việc phát triển sản phẩm, mà chỉ mày mò theo cảm tính. Vì thế rất cần thiết có các hình thức cung cấp những thông tin cần thiết về thị trường cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất hàng thủ công.

Một khó khăn lớn của các cơ sở sản xuất hàng thủ công là vấn đề cải tiến công nghệ, sử dụng máy và kỹ thuật mới vào sản xuất để chuyển cách sản xuất nhỏ lẻ, cảm tính thành tổ chức sản xuất có khối lượng lớn.

Sau một thời gian dài đồng hành với công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, ông đánh giá như thế nào về sức hấp dẫn của công tác bình chọn? Theo ông, để nâng cao hơn nữa sức hút cho hoạt động này, cần sự đổi mới như thế nào cả về chính sách hỗ trợ, công tác tổ chức?

Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) rất quan tâm đến hoạt động bình chọn này, thường xuyên có văn bản vận động, hướng dẫn tham gia; tổ chức bình chọn nghiêm túc, cẩn thận; tổ chức vinh danh chu đáo nên các cơ sở có sản phẩm được bình chọn đều cảm thấy vinh dự và nhận ra định hướng phát triển sản phẩm cho mình. Nhưng sức hấp dẫn của việc tổ chức bình chọn chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của các nghề thủ công.

Sự quan tâm của các địa phương chưa đều, nhiều địa phương chưa quan tâm vận động, hướng dẫn nên quá ít cơ sở tham gia. Vì thế kết quả bình chọn cũng chênh lệch nhau khá nhiều, Hà Nội và Bình Dương được chọn tới 7,8 sản phẩm đề nghị công nhận; nhưng, 8 tỉnh, thành phố chỉ có 2,3 sản phẩm, 16 tỉnh, thành phố có 1 sản phẩm, thậm chí có tới 30 tỉnh, thành phố không có sản phẩm được bình chọn, mặc dù những tỉnh đó cũng từng có các sản phẩm thủ công nổi tiếng.

Để việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu có hiệu quả hơn, cần có sự vận động, hướng dẫn sâu rộng hơn, chú trọng đồng đều các địa phương, gợi ý đến những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Nên tổ chức tư vấn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lựa chọn đúng sản phẩm để tham gia bình chọn. Nếu có điều kiện, nên tổ chức tư vấn phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, không chỉ để tham gia bình chọn, mà thực sự giúp các cơ sở phát triển sản phẩm tốt hơn.

Nên có hình thức hỗ trợ cụ thể các sản phẩm đã được bình chọn, kết hợp hơn nữa với hoạt động khuyến công để các địa phương có thể phát huy tốt hơn thế mạnh của mình. Trong đó, coi trọng hỗ trợ cải tiến công nghệ để sản xuất những sản phẩm đã được bình chọn có hiệu quả hơn. Cần cải tiến công tác bình chọn, thời gian bình chọn cũng nên rút ngắn lại để nhanh chóng phát huy giá trị thực tế của việc công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu. Hiện nay, mỗi sản phẩm phải trải qua 1 năm bình chọn ở cấp tỉnh, 1 năm bình chọn ở cấp khu vực, 1 năm ở cấp quốc gia. Sau 3 năm, tính thời sự của sản phẩm không còn, thậm chí dễ trở thành sản phẩm cũ, không có tính hấp dẫn với thị trường, giá trị của kết quả bình chọn không phát huy được. Nên chăng ở cấp khu vực, nên chọn một số sản phẩm tiêu biểu nhất để công nhận sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia. Như vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ tranh thủ ngay được kết quả bình chọn để làm tăng sự hấp dẫn của sản phẩm trên thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 có 200 sản phẩm đạt tiêu chí và được bình chọn, trong đó có 40 sản phẩm thuộc nhóm TCMN.
Việt Nga

Tin cùng chuyên mục

Sắp diễn ra Tuần lễ kết nối chuỗi sản xuất, tiêu dùng bền vững làng nghề Hà Nội

Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024

Đà Nẵng: Hỗ trợ hơn 2,26 tỷ đồng cho doanh nghiệp đổi mới máy móc, sản xuất sạch hơn

Lai Châu: Thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp để phát huy tiềm năng, lợi thế

Sắp diễn ra Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024

Bến Tre: Hỗ trợ tích cực các cơ sở sản xuất sản phẩm từ quả dừa

Khai mạc Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc – Hòa Bình 2024

Đề xuất gỡ vướng cho nội dung khuyến công hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị

Kiên Giang: Khuyến công quốc gia hỗ trợ phát triển nghề chế biến nước mắm

Phú Yên: Khuyến công địa phương hỗ trợ phát triển sản phẩm thế mạnh

Khuyến công Bình Dương hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hà Nội: Kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành thủ công mỹ nghệ

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác khuyến công khu vực phía Nam

Vinh danh 90 tác phẩm đạt giải Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2024

Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XIV, năm 2024

Trà Vinh: 9 tháng nghiệm thu 6 đề án khuyến công

Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tại Tuyên Quang chuyển đổi số

189 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024

Sắp diễn ra Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2024

Quảng Bình có 11 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực