Nhiều nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung tại Dự thảo Nghị định của Luật Đất đai
Nghị định có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai
Sáng 23/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Dự thảo Nghị định quy định về giá đất. Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Minh Ngân chủ trì hội thảo.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Dự thảo Nghị định quy định về giá đất |
Trình bày về những nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 với 16 chương và 260 điều, trong đó có nhiều nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết.
Nghị định quy định chi tiết 51 nội dung được giao trong Luật Đất đai, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai. Bố cục của Dự thảo Nghị định gồm 10 chương, 115 điều.
Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ quy định chi tiết thi hành 51 nội dung được giao trong Luật Đất đai năm 2024, bao gồm: Quy định chung, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Văn phòng đăng ký đất đai, tổ chức phát triển quỹ đất, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, phát triển quản lý và khai thác quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chế độ sử dụng đất; theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; kiểm tra chuyên ngành đất đai…
Chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung dự thảo
Tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp và chuyên gia đã có những góp ý cụ thể để hoàn thiện Dự thảo Nghị định.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng: Tại Điều 20, 21 Chương 2, Quy hoạch và Kế hoạch sử dụng đất, cần làm rõ mối quan hệ phụ thuộc giữa quy hoạch và kế hoạch, trong đó quy hoạch phải có trước để có cơ sở, trình tự ban hành kế hoạch. Đặc biệt, quy hoạch có thể điều chỉnh khi cần thiết và theo đó kế hoạch cũng phải điều chỉnh, thay đổi theo.
Các đại biểu góp ý nhiều nội dung hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai |
Liên quan đến Chương 4 về thu hồi đất, ông Nguyễn Quốc Hiệp nêu, Mục 1: Gồm 2 trường hợp thu hồi đất: Vì mục đích Quốc phòng – An ninh và để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hiện chỉ có hướng dẫn trình tự với trường hợp quốc phòng – an ninh, còn trường hợp còn lại thì chưa được đề cập, trong khi đây lại là vấn đề các doanh nghiệp rất quan tâm.
Liên quan đến Điều 45.5 tại Chương III về Cưỡng chế kiểm đếm và thu hồi, ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị, quy định các thời hạn thực hiện trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất… không bao gồm thời gian xác định giá đất cụ thể, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính người sử dụng đất.
Cũng liên quan đến Điều 20 và 23 tại bản dự thảo, ông Nguyễn Minh Trí - Cán bộ Ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: Hiện Dự thảo chưa có quy định về trình tự, thủ tục để người dân, doanh nghiệp đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm và điều kiện, nguyên tắc để được chấp thuận, phê duyệt đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm, trong khi đây là nhu cầu thiết yếu và phát sinh thực tế hàng ngày.
Tại thời điểm này, các địa phương đang thực hiện theo Thông tư 01/TT/BTNMT của Bộ Tài Nguyên và Môi trường để tổng hợp nhu cầu đăng ký sử dụng đất hàng năm của cá nhân, tổ chức, thông thường địa phương sẽ có thông báo vào tháng 3 hàng năm nhưng không phải ai cũng biết để đăng ký và chưa có trình tự, thủ tục, điều kiện rõ ràng.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Minh Trí kiến nghị: Dự thảo Nghị định cần bổ sung trình tự, thủ tục để người dân, doanh nghiệp đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm và điều kiện, nguyên tắc để được chấp thuận, phê duyệt đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm theo hướng: Nếu đất đã phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thì đương nhiên sẽ được chấp thuận đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để đẩy nhanh tốc độ thực hiện quy hoạch.
"Để đảm bảo tính ổn định và tránh lãng phí nhân lực, thời gian nên có quy định cho phép đất đã thuộc kế hoạch sử dụng đất hàng năm được chuyển tiếp thực hiện mà không phải đăng ký lại trong 3 - 5 năm" - ông Nguyễn Minh Trí nêu.
Lý do kiến nghị được ông Nguyễn Minh Trí đưa ra là, Luật đất đai 2024, Luật nhà ở 2023 yêu cầu dự án nhà ở thương mại hay các dự án đầu tư khác muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư, xin thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất… đều phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất cấp huyện mới được chấp thuận triển khai. Thực tế đến nay, việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cá nhân, doanh nghiệp theo cơ chế xin - cho nhưng không có điều kiện, thủ tục rõ ràng dẫn đến nhiều trường hợp bị bỏ lỡ kỳ đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì không thể làm gì rất lãng phí và nhiêu khê.
"Do đó, cần có quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục để người dân, doanh nghiệp đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm và điều kiện, nguyên tắc để được chấp thuận, phê duyệt đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm" - ông Nguyễn Minh Trí nêu quan điểm.
Theo nhận định của các chuyên gia tại hội thảo, bất động sản có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, đó là lý do Quốc hội đã dành 4 kỳ họp để thảo luận về Luật Đất đai và được thông qua vào tháng 1/2024. Luật Đất đai 2024 cơ bản khắc phục được những chồng chéo với những văn bản quy phạm pháp luật khác, đồng thời bổ sung những hành lang pháp lý còn thiếu với hoạt động kinh tế, khắc phục những bất cập liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Việc soạn thảo và tiến tới ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có ý nghĩa quan trọng với việc phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đưa Luật Đất đai sớm đi vào thực tiễn.