Nhiều hãng taxi ở Hà Nội bán một nửa số xe
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, các hãng taxi ở Hà Nội đã phải “cắt máu”, bán đi gần 1 nửa số lượng xe. Thế nhưng nhiều hãng vẫn chịu lỗ tới 30%.
Nhiều hãng taxi ở Hà Nội đã phải bán xe cắt lỗ. Ảnh: Hiếu Anh |
Ông Nguyễn Công Hùng thông tin, so với cuối năm 2022, số lượng taxi truyền thống của Hà Nội giảm từ 19 nghìn xe xuống còn 13 nghìn xe.
Trong khi taxi truyền thống quay cuồng tìm cách “trụ hạng”, taxi công nghệ cũng không lạc quan hơn. Từ đầu năm đến nay, taxi công nghệ giảm 1 nửa từ 60 nghìn xe xuống còn 30 nghìn xe.
Dù đã chấp nhận “cắt máu” bán xe, nhưng tình hình kinh doanh của các hãng taxi vẫn chưa hết “kiếp nạn” khó khăn. Hiện nay, hầu như các doanh nghiệp taxi giảm doanh thu tới 30%.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng nhấn mạnh, thời gian vừa qua, giá xăng liên tục nhảy múa, trong khi giá cước taxi cầm chừng không tăng. Với việc cấu thành 25% giá cước taxi, giá xăng đang là gánh nặng không nhỏ đè lên đôi vai của các hãng taxi.
Không chỉ giá xăng dầu tăng, nhiều yếu tố khác cũng là tác nhân khiến ngành taxi rơi vào khó khăn.
“Hiện nay, tác động hậu COVID-19 vẫn còn dai dẳng. Trong khi đó, nền kinh tế có nhiều khó khăn, khiến người dân thắt chặt hầu bao. Vì vậy, số lượng người sử dụng dịch vụ taxi ngày càng ít đi”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trong giai đoạn khó khăn này, ngành taxi rất vui mừng khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ giảm 2% lãi suất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính sách này được ví như “cái cọc” để doanh nghiệp kinh doanh taxi bám vào.
Bởi với quy định hiện hành, doanh nghiệp taxi rất khó để tiếp cận nguồn vốn. “Theo quy định hiện hành để tiếp cận nguồn vốn vay, doanh nghiệp phải không có nợ xấu, không nợ thuế, bảo hiểm xã hội. Thế nhưng, nếu doanh nghiệp taxi có nguồn tài chính đủ mạnh để trả các khoản nợ này thì đã không cần phải hỗ trợ. Do đó, các hãng taxi rất mong cơ quan chức năng cắt bớt điều kiện để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay”, ông Hùng nhấn mạnh.