Nhiều giải pháp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện
Ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Công ty (thứ 3 từ trái sang) - trao bằng khen cho các cá nhân xuất sắc |
Phát triển các dự án đo xa
Cuối năm 2015, PC Vĩnh Phúc đã hoàn thành giai đoạn I và đưa vào sử dụng hệ thống lưới điện thông minh Mini Scada để phục vụ công tác kỹ thuật, vận hành. Công ty cũng là đơn vị đầu tiên của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (NPC) triển khai lắp đặt 100 công tơ điện tử RF và xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu từ xa, giúp khách hàng dễ dàng phát hiện rò điện tại các thiết bị sử dụng lâu năm, chất lượng cách điện suy giảm, bảo đảm chính xác và minh bạch trong chỉ số tiêu thụ điện.
Đến hết năm 2016, PC Vĩnh Phúc đã có 59.244 công tơ 1 pha điện tử đo xa. Tháng 8/2016, công ty ký hợp đồng thuê dịch vụ Viettel Vĩnh Phúc đối với 535 điểm đo trạm biến áp (TBA) chuyên dùng trên hệ thống thu thập số liệu công tơ điện tử Ami.One-Viettel, nâng tổng số điểm đo chuyên dùng được khai thác qua hệ thống Mris và Ami.One là 619 điểm đo. Công ty cũng đã thí điểm thay thế 1.500 công tơ 1 pha cơ khí bằng công tơ 1 pha điện tử và lắp đặt hệ thống đo xa công nghệ PLC tại thị trấn Tam Đảo; thay thế 12.000 công tơ 1 pha cơ khí bằng công tơ 1 pha điện tử đo xa và lắp đặt hệ thống đo xa công nghệ GPRS- RF.
Đánh giá về hiệu quả của các dự án đo xa, ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc PC Vĩnh Phúc - khẳng định: Công tơ điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội, như: Độ chính xác công tơ điện tử đến ± 1%, cao hơn so với công tơ điện cơ (± 2%); công tơ 1 pha RF có dải dòng làm việc rộng từ 5 - 80A (trong khi công tơ điện cơ chỉ có dải dòng từ 5 - 20A) nên hạn chế được tối đa sự cố cháy hỏng công tơ, dễ dàng phát hiện các bất thường trong hệ thống đo đếm bằng chức năng cảnh báo trên công tơ... Đặc biệt, các dự án đo xa đã tạo thuận lợi cho khách hàng giám sát việc sử dụng điện hàng ngày, giảm được nhân lực, nâng cao chất lượng ghi chỉ số công tơ cũng như giảm thời gian phát hành hóa đơn tiền điện.
Một ưu điểm nổi bật của hệ thống đo xa nữa là rất an toàn cho người lao động do không phải trèo cao ghi chỉ số; đồng thời còn giúp nâng cao năng lực quản lý, hệ thống hóa đo đếm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khách hàng sử dụng điện. Bên cạnh đó, hệ thống cũng rất thuận tiện trong việc lắp đặt; có khả năng mở rộng và tích hợp thêm các module rời nhằm bổ sung các tiện ích riêng theo nhu cầu của người sử dụng; đo đếm đa chức năng và đặc biệt là có các cổng giao tiếp dữ liệu cho phép kết nối vào các hệ thống thu thập dữ liệu tự động từ xa qua các mạng truyền dẫn phổ biến như: RF, PLC, GSM, GPRS, CDMA, 3G, Wifi…
Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện
Là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm trên 90% trong cơ cấu kinh tế, do vậy nhu cầu về điện để phục vụ cho phát triển kinh tế của Vĩnh Phúc là rất lớn. Trước những thách thức đó, năm 2016, cùng với sự hỗ trợ của NPC, PC Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều dự án lớn trên địa bàn, góp phần chống quá tải, giảm tổn thất lưới điện, như: Dự án Cải tạo lộ 972, 975 E25.3 lên 22kV; xây dựng các xuất tuyến 35kV và 22kV sau trạm 110kV Vĩnh Tường 2; dự án JBIC xóa bỏ trạm TG Xuân Hòa, cải tạo lộ 977 E25.3 lên 22kV giảm tải MBA T1 trạm 110kV Lập Thạch, dự án Cải tạo bổ sung cáp các xuất tuyến trung áp; khôi phục vận hành MBA T1 TG Đạo Tú, nâng công suất MBA trạm TG Yên Dương...
Kiểm tra định kỳ các thiết bị |
Nhờ đẩy mạnh các dự án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp và cải tạo lưới điện, kết quả thực hiện các chỉ tiêu độ tin cậy năm 2016, công ty đạt 6/6 chỉ tiêu mất điện sự cố và mất điện kế hoạch. Đặc biệt, các trường hợp mất điện vượt chỉ tiêu kế hoạch giao MAIFI vượt 15%, SAIDI vượt 42% và SAIFI vượt 6%; giảm sâu so với năm 2015.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hưng, việc đầu tư hệ thống lưới điện thông minh đúng hướng, cũng như công tác triển khai các dự án đầu tư chống quá tải, nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời hệ thống lưới điện trung, hạ áp đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp điện cho khách hàng, đồng thời giảm tổn thất điện năng trên lưới. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp PC Vĩnh Phúc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sản lượng điện thương phẩm năm 2016 của PC Vĩnh Phúc đạt 2.018,802 triệu kWh, tăng 21,0% so với năm 2015, vượt kế hoạch NPC giao 0,14%. Năm 2016, PC Vĩnh Phúc có mức tăng thương phẩm cao nhất trong các năm trở lại đây. |