Nhiều đề xuất thiết thực trong lĩnh vực công nghệ cơ khí chế tạo
Một số rào cản cơ chế
Phát biểu tham luận tại Hội nghị "Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương" ngày 19/5, TS. Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) cho biết, mặc dù đã đạt được kết quả tích cực song lĩnh vực cơ khí chế tạo vẫn còn một số khó khăn về hành lang pháp lý, cần sửa đổi kịp thời.
Theo đó, cần đánh giá tổng kết Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chỉnh phủ về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để xem xét, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Chiến lược cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt cần điều chỉnh, bổ sung các sản phẩm cơ khí trọng điểm cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.
Trên cơ sở Chiến lược phát triển ngành cơ khí được điều chỉnh, cần thiết phải xây dựng một chương trình tổng thể của Nhà nước để hỗ trợ cho công tác nghiên cứu và làm chủ công nghệ trong từng lĩnh vực công nghiệp cụ thể được ưu tiên phát triển. Các đề tài/dự án được đăng ký và phê duyệt hàng năm sẽ bám sát theo các mục tiêu đặt ra tại Chương trình này tiến tới đạt được mục tiêu khi hoàn thành các đề tài/dự án đăng ký.
Toàn cảnh Hội nghị |
Trong lĩnh vực tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, đặc biệt đối với dây chuyền, thiết bị phức tạp mà Việt Nam chưa sản xuất được phải liên danh với nhà thầu nước ngoài đang vướng Luật Đấu thầu.
Cụ thể, theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu liên danh được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh, tuy nhiên phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh; nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm thì nhà thầu liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu.
Nếu theo quy định này, mãi mãi các doanh nghiệp trong nước không thể có đủ kinh nghiệm để tham gia các gói thầu tương tự trong tương lai vì mình sẽ không bao giờ có đủ yêu cầu năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu.
Thực tiễn triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ (KHCN) cũng như quá trình chuyển giao công nghệ các hệ thống thiết bị đồng bộ ở NARIME cho thấy, con đường ngắn nhất, rẻ nhất để tiếp thu công nghệ tiên tiến, phù hợp với Việt Nam là thực hiện chuyển giao thiết kế, công nghệ thông qua kết hợp thực hiện các Đề tài/Dự án KHCN thông qua việc liên danh với nhà thầu nước ngoài để đấu thầu các dự án mà trong nước chưa đủ năng lực kinh nghiệm. Khi đó, về mặt hình thức, phần thiết kế và công nghệ sẽ được đối tác nước ngoài chuyển giao trong quá trình thực hiện công việc theo nghĩa vụ thực hiện hợp đồng kinh tế, còn các nhà khoa học Việt Nam thực hiện tiếp thu, học hỏi thiết kế, công nghệ của nước ngoài thông qua thực hiện hợp đồng kinh tế với chi phí rất rẻ (do không phải trực tiếp mua bí quyết công nghệ của nước ngoài), nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề trên Viện Nghiên cứu Cơ khí đề xuất, cần sửa đổi điều khoản này theo hướng, cho phép thành viên trong liên danh được thực hiện các công việc mình chưa đủ kinh nghiệm trong trường hợp các thành viên còn lại của liên danh (đã đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm) có cam kết sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm khi thực hiện bởi thành viên này.
Đồ gá cho ngành công nghiệp ô tô |
Cần sớm bổ sung các cơ chế hỗ trợ
Theo ông Vũ Văn Khoa, quá trình đề xuất, phê duyệt, tuyển chọn và ký hợp đồng thực hiện các đề tài KHCN kéo dài, dẫn đến việc thực hiện các đề tài KHCN mất tính thời sự, không còn đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, thậm chí mất tính khả thi do tiến độ các dự án áp dụng kết quả đề tài nhanh hơn tiến độ đề tài. Do vậy, cần có cơ chế lập kế hoạch, đề xuất, phê duyệt, tuyển chọn các đề tài nhanh, linh hoạt hơn để đáp ứng các nhu cầu đột xuất, cấp bách của thực tiễn.
Liên quan đến chi phí trả cho chuyên gia, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, thực tế, hầu hết các đề tài/dự án KHCN cấp nhà nước không thể thanh toán phần lương chuyên gia nước ngoài do thiếu định mức tiền lương để thuê chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHCN (đơn cử như các đề tài thuộc dự án Giàn khoan Tam đảo 3, Nhiệt điện 600 MW,…).
Thông thường chi phí lương chuyên gia nước ngoài do ngân sách nhà nước hỗ trợ chỉ chiếm không quá 10% giá trị lương của hạng mục tương ứng được thanh toán từ vốn đối ứng. Do vậy cần xây dựng các quy định cụ thể, khả thi để thuê các chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHCN. Ví dụ, phần lương chuyên gia này được thanh toán theo chi phí lương chuyên gia của dự án đã được đấu thầu theo quy định.
TS. Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí |
Một khó khăn khác là duy định về vốn đối ứng và cam kết địa chỉ ứng dụng khi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Khi đề xuất đề tài rất khó để được phê duyệt thực hiện vì các doanh nghiệp không sẵn sàng cam kết áp dụng sản phẩm đề tài và cung cấp vốn đối ứng ở giai đoạn chưa biết rõ về sản phẩm; mặt khác do các quy định của Luật Đấu thầu nên nếu doanh nghiệp cam kết vốn đối ứng sẽ không đúng quy định của Luật Đấu thầu. Do vậy, Viện đề xuất cần xem xét lại các quy định về vốn đối ứng và cam kết sử dụng sản phẩm khi tuyển chọn các nhiệm vụ KHCN để phù hợp với Luật Đấu thầu. Nên chăng quy định sản phẩm đầu cuối, có nghĩa là chỉ nghiệm thu sản phẩm khi đã được ứng dụng thành công.
Do các quy định pháp luật về xử lý tài sản hình thành sau khi thực hiện các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước chưa đầy đủ, khả thi nên các doanh nghiệp lo ngại các thủ tục phức tạp, rườm rà để được áp dụng kết quả của các đề tài nghiên cứu triển khai. Do vậy, cần ban hành các hướng dẫn phù hợp, khả thi về xử lý tài sản hình thành sau khi thực hiện các nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách nhà nước để khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức KHCN và doanh nghiệp tham gia thực các nhiệm vụ KHCN.
Ngoài ra cần xây dựng các cơ chế ưu đãi có thời hạn đối với các dự án sử dụng các sản phẩm KHCN được nghiên cứu thành công nhằm khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng kết quả nghiên cứu.