Nhãn, vải chế biến chỉ chiếm 10% tổng sản lượng
Nhãn, vải là các cây ăn quả quan trọng và đang đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong những năm gần đây. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đươc đưa vào áp dụng trong sản xuất các loại quả đặc sản này của Việt Nam. Tuy nhiên, vải, nhãn của Việt Nam cũng đang gặp một số khó khăn về kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch và thị trường tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, hiện nay, sản phẩm nhãn, vải chế biến chỉ chiếm 10% tổng sản lượng sản phẩm, tiêu thụ chủ yếu vẫn là sản phẩm tươi. Sản phẩm tươi sẽ luôn phải chịu yêu cầu khắt khe về chất lượng truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch của các thị trường nhập khẩu. Điển hình thị trường Trung Quốc cũng ngày càng thắt chặt trong việc kiểm dịch, dán nhãn, truy xuất nguồn gốc. Do đó, chúng ta phải luôn cập nhật cũng như nghiêm túc thực hiện các yêu cầu đó để sản phẩm có thể vào được các thị trường.
Vải, nhãn chế biến chỉ chiếm 10% tổng sản lượng |
Sản phẩm chế biến không phải kiểm dịch nhưng đòi hỏi phải có các doanh nghiệp đầu tư để có thể chế biến sâu cũng như việc tiếp thị để thị trường quen với sản phẩm từ nhãn vải.
Theo số liệu tại Hội nghị quốc tế về nhãn, vải lần thứ 6, trên thế giới có khoảng 20 quốc gia đang trồng vải. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc với hơn 2 triệu tấn/năm, thứ hai là Ấn Độ với 677 nghìn tấn/năm, Việt Nam đang xếp thứ 3 với khoảng 380 nghìn tấn/năm, tiếp theo là Thái Lan với khoảng 48 nghìn tấn/năm, Bangladesh với hơn 12 nghìn tấn/năm.
“Trên thế giới, nhãn, vải được tập trung sản xuất ở một số nước như Thái, Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… Đặc biệt nhãn vải Việt Nam chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với sản lượng của Trung Quốc. Tuy nhiên, do thời vụ thu hoạch, chất lượng giống của các nước khác nhau nên chúng ta hoàn toàn có cơ hội đưa sản phẩm nhãn, vải của Việt Nam vào thị trường thế giới”, ông Nguyễn Quốc Hùng thêm cho biết.
Chia sẻ về sản xuất vải của địa phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, ông Nguyễn Viết Toàn cho biết: Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, cho sản lượng trên 90.000 tấn mỗi năm. Đặc biệt, Bắc Giang có thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn” đã xuất khẩu và có mặt tại các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Australia, các nước Đông Nam Á...; đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia là Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Camphuchia.
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, năm 2019, Lục Ngạn đã có 18 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang Hoa Kỳ; 36 mã số vùng trồng để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Năm nay, dự báo tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn đạt khoảng 80 ngàn tấn, trong đó, vải chín sớm khoảng 13 ngàn tấn, vải thiều chính vụ khoảng 67 ngàn tấn. Nhờ sản lượng ổn định, chất lượng, mẫu mã sản phẩm được đánh giá tốt hơn hẳn so với năm trước, các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc và các tỉnh miền Nam đã đến khảo sát, đặt mua hàng rất sớm ngay từ đầu vụ. Giá vải tại Lục Ngạn dao động bình quân ở mức 30.000 -40.000 đồng/kg, có thời điểm khoảng 60.000 đồng/kg.
Tại hội nghị, các nhà khoa học, nghiên cứu, chuyên gia… hàng đầu trong nước và quốc tế đã chia sẻ về thực trạng sản xuất, việc bảo tồn đa dạng di truyền, chọn tạo giống, công nghệ sinh học, quản lý sâu bệnh hại, quản lý sau thu hoạch… cho nhãn, vải nói riêng và các cây ăn quả thuộc họ bồ hòn nói chung.
Sau hội nghị, các đại biểu sẽ có chuyến tham quan thực địa tới vùng chuyên canh và các cơ sở chế biến vải tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, đây là một trong những địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước, tìm hiểu về sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ vải nơi đây.