Nhân rộng công nghệ khí hóa sinh khối trong chế biến nông sản: Cần hoàn thiện chính sách
Giảm chi phí, sản phẩm chất lượng hơn
Chè là nghề đem lại thu nhập chính cho bà con nông dân Thái Nguyên. Ngoài việc trồng chè sạch, công đoạn sao, sấy chè cũng rất quan trọng. Làm thế nào để chè búp tươi đưa vào sao sẽ khô từ từ, tăng giảm nhiệt độ lên xuống cho hợp lý. Nhiên liệu để bà con sao sấy chè lâu nay là từ củi. Bụi và khói là những vấn đề mà những người nông dân ở đây đang phải đối mặt. Chất đốt bằng củi chiếm 1/5 chi phí giá thành sản xuất, nhiều người nông dân trồng chè Thái Nguyên mong muốn có những nghiên cứu nhằm cải thiện được đầu vào sản xuất, trong đó có chất đốt để giảm thiểu hơi nóng tỏa nhiệt từ việc đốt củi. Đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người lao động và cả môi trường sản xuất.
Chè là nghề đem lại thu nhập chính cho bà con nông dân Thái Nguyên |
Theo Sở Công Thương Thái Nguyên, 1kg chè khô cần 2,4kg củi để sao chè, chế biến một sào chè với sản lượng trung bình 15kg chè khô/sào cần khoảng 36kg củi. Với khoảng 91 nghìn hộ trồng chè, nếu một nửa số hộ này sử dụng củi khô để sao chè thì lượng khí thải cacbon ra môi trường là rất lớn.
Nắm bắt nhu cầu từ chính người sản xuất, Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững (CCS) giới thiệu về công nghệ lò đốt khí hóa sinh khối (VCBG) nhằm đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp chế biến nông sản về các nhu cầu nhiệt, vừa có nguồn sinh khối từ phế phụ phẩm nông nghiệp - các phần không đi vào sản phẩm chính.
Ông Nguyễn Hồng Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững (CCS) - cho hay, lò công nghệ VCBG được bắt đầu nghiên cứu từ tháng 8/2010, sau đó đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ từng phần tại Việt Nam và Đan Mạch. VCBG có nhiệt độ lên đến trên 1.500 độ C. VCBG phát thải rất thấp, đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải khắt khe nhất. Lò VCBG có chi phí sản xuất chỉ 10% của lò LPG nhập khẩu, với chi phí vận hành chỉ 70 nghìn đồng/ngày.
“Thiết bị mới không có khói, không còn khí độc quinol trong chè, giúp tăng giá bán và cải thiện hoàn toàn điều kiện làm của người lao động, tăng vị thế đàm phán của nhà sản xuất với thương lái. Thiết bị VCBG không phát thải các khí độc hại, không gây biến đổi khí hậu. Mặt khác, nếu sản xuất than sinh học thì VCBG phát thải âm”, ông Long khẳng định.
Ông Long khuyến cáo, các hộ chế biến chè có thể lựa chọn một trong nhiều giải pháp khi ứng dụng công nghệ đốt VCBG: bếp khí hóa kết nối với lò chè sẵn có; bếp khí hóa và nâng cấp phần vỏ lò sấy chè, giữ nguyên quả lô và cơ cấu truyền dẫn động; bếp khí hóa và đầu tư lò chè cải tiến. Với các địa phương, VCBG giúp giảm phát thải do đốt sinh khối đồng thời, một lượng lớn “rác” sinh khối được chuyển thành thu nhập.
VCBG- giảm rác thải và phát triển bền vững
Công nghệ lò đốt VCBG đã được Oxfam và CCS thử nghiệm tại Thái Nguyên năm 2018/19, cho thấy phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp nhỏ và hộ nông dân chế biến nông sản.
Hộ sản xuất chè của ông Đặng Ngọc Hà (Thái Nguyên) là một trong trong những cơ sở đang ứng dụng lò đốt khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích trong chế biến nông sản. Sử dụng phương thức này, lượng khói bụi là không có, sản phẩm chè mang đi kiểm nghiệm chất lượng không bị mùi oi khói, giá thành sản phẩm ngày được nâng cao.
Và để nhân rộng mô hình, Dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam” (BEST) do EU tài trợ sẽ được thực hiện trong 4 năm từ 2020 - 2024 tại các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái.
Bà Vũ Quỳnh Hoa - Phó Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam - cho hay, Dự án BEST nhằm giải quyết các vấn đề cốt lõi thông qua việc thúc đẩy VCBG ở quy mô nhỏ để phù hợp với khả năng tài chính và công nghệ của doanh nghiệp, hộ gia đình và phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ tại địa phương. Dự án sẽ làm việc với 2.500 hộ chế biến nông sản và doanh nghiệp nhỏ, 100 doanh nghiệp cơ khí và 400 đơn vị cung ứng sinh khối. Sẽ có khoảng 1,2 triệu người tại 4 tỉnh địa bàn dự án được hưởng lợi.
“Song song với xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ sinh thái hỗ trợ cho việc ứng dụng công nghệ tại địa phương, dự án công nghệ khí hóa sinh khối hướng tới mục tiêu cung cấp nguồn năng lượng sạch hơn, rẻ hơn. Dự án BEST sẽ góp phần đạt được mục tiêu toàn cầu về tiếp cận năng lượng bền vững, tăng trưởng bền vững và kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn”, bà Hoa nói.
Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững trình diễn mô hình lò đốt ứng dụng công nghệ VCBG và trao đổi việc áp dụng công nghệ trong sản xuất nông sản tại Thái Nguyên |
Ông Koen Duchateau - Trưởng ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu- đánh giá, dự án mang lại hiệu quả tuyệt vời vì sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu của địa phương hiện có như: dăm gỗ; gỗ vụn, mùn cưa, thân cây ngô, lõi ngô…. Việc triển khai nhân rộng dự án còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. “Việt Nam đang có các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Với việc sử dụng công nghệ khí hóa sinh khối trong chế biến nông sản trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ sản xuất góp phần giảm việc sử dụng khí ga và than, đồng thời tận dụng được các nguồn phụ phẩm hiện có. Không chỉ tiết kiệm, hiệu quả về chi phí, giải pháp này còn góp phần tăng chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường”, ông Koen Duchateau nói.
Là người thực tế làm nghề nhiều năm, quan sát mô hình trình diễn, bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Công ty CP chè Hà Thái (xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) - cho rằng, việc sản xuất theo công nghệ này sẽ giúp tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào và giảm được khói bụi. Việc đưa công nghệ này vào sản xuất các doanh nghiệp cũng không gặp khó khăn gì, tuy nhiên, đi kèm theo công nghệ lò đốt VCBG cần có một máy đo nhiệt độ để bà con tiện sử dụng trong công đoạn sao, sấy chè.
Cần môi trường chính sách phù hợp
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam hàng năm tạo ra khoảng 118 triệu tấn chất thải nông nghiệp, nhưng chỉ có 11% số này được sử dụng.
Hiện nay, thị trường Việt Nam đã có một số mô hình thiết bị năng lượng sinh khối, nhưng chưa có mô hình nào được áp dụng rộng rãi. Chính phủ cũng đã có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho năng lượng sinh khối. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ năng lượng sinh khối vẫn chưa khả quan. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là chưa có mô hình công nghệ sinh khối phù hợp với khả năng tài chính và hạ tầng công nghệ của các địa phương. Mặt khác, thiếu hụt hệ thống hỗ trợ để triển khai mô hình, chẳng hạn vẫn chưa hệ thống thu mua nguyên liệu sinh khối vốn nằm rải rác…
Trong khi đó, một lượng lớn phế phụ phẩm nông lâm nghiệp đang bị coi như chất thải, vứt bỏ và đốt gây ô nhiễm môi trường. Điển hình như tình trạng nông dân đốt bỏ rơm rạ sau mỗi vụ gặt vừa lãng phí, vừa phát thải lượng khí nhà kính rất lớn.
Chi phí cho nhiệt năng hiện nay vẫn đang là gánh nặng cho doanh nghiệp. Việc chuyển sang các thiết bị hiện đại hơn như lò LPG hay lò điện, cho chất lượng sản phẩm tốt hơn lại vượt quá khả năng của hầu hết các cơ sở chế biến. Chẳng hạn đầu tư ban đầu của lò LPG từ 140-185 triệu đồng, và chi phí vận hành mỗi ngày lên đến 1 triệu đồng. Không những vậy, trong 20 năm vận hành mỗi lò sao chè đốt LPG tạo ra 14 - 210 tấn CO2, mức độ gây ô nhiễm môi trường lớn.
Công nghệ khí hóa sinh khối sẽ là giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải nông thôn ở Việt Nam. Để dự án trên không chỉ dừng ở 4 địa phương trên, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước cần tạo ra một môi trường chính sách phù hợp, ứng dụng công nghệ khí hóa liên tục, từ đó, sẽ nhân rộng số lượng doanh nghiệp sử dụng công nghệ này, nhu cầu với các xưởng cơ khí cũng như các cơ sở cung cấp sinh khối cũng tăng lên. Hệ sinh thái 3 bên nhờ đó sẽ bền vững.