Nha Trang: Nặn tượng rồng mini bằng đất sét chào Xuân Giáp Thìn 2024
Tại làng nghề Trường Sơn (TP Nha Trang, Khánh Hòa), các nghệ nhân nặn những chú rồng mini bằng đất sét, rồi dùng cọ vẽ màu khiến nhiều người thích thú.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các nghệ nhân nặn đất sét tại làng nghề Trường Sơn (phường Phước Long,TP. Nha Trang) đang tích cực cho ra những chú rồng mini phục vụ du khách gần xa tham quan. Đây là làng nghề nổi tiếng của thành phố, lưu giữ các nghề thủ công truyền thống. |
Chị Nguyễn Thị Ánh, đang tỉ mỉ dùng cọ vẽ màu cho những chú rồng, cho biết những chú rồng mini này cao khoảng 7cm, được nặn từ đất sét Nhật Bản, có đặc tính tự khô, mềm dẻo và dễ nhào nặn, thành phẩm khi ra bóng căng mịn. |
Công đoạn nhào nặn tượng rồng là khó nhất, theo chị Ánh, để nặn một chú rồng mini hoàn chỉnh cần tốn hơn 1 tiếng đồng hồ, thêm thời gian tô màu khoảng 30 phút. “Nặn một bức tượng đòi hỏi sự khéo tay, khéo léo, sáng tạo, chính xác trong từng chi tiết thì mới tạo ra sản phẩm bắt mắt, còn việc tô màu tùy theo sở thích”. |
Ở làng nghề có 3 người thợ phụ trách nhào nặn, tô vẽ tượng rồng mini, mỗi ngày cho ra hàng chục bức tượng. Làng nghề cũng cho du khách tự trải nghiệm nhào nặn và tô màu vẽ các bức tượng, với giá 70.000 đồng/người. |
Bà Lê Nguyễn Ái Quỳnh - Quản lý làng nghề Trường Sơn – cho biết, ý tượng hình rồng được lên từ sau Tết vừa rồi, nhưng phải phác họa rất lâu để tìm được hình tượng rồng ưng ý, do đó, làng nghề mới đi vào nặn rồng mini khoảng 1 tháng trở lại. “Phong cách rồng trong văn hóa xưa được thể hiện ở nhiều tư thế, mang nét uy quyền, có nhiều chi tiết nên khó để mô tả lại. Do đó làng nghề đã cho ra đời mẫu rồng theo phong cách hoạt hình dễ thương, dễ nặn, mang màu sắc vui tươi, mới lạ cho du khách trong dịp Tết Nguyên đán”. |
Mỗi dịp Tết, làng nghề sẽ cho ra đời những linh vật của năm đó. Năm nay, ngoài rồng mini theo phong cách dễ thương, các nghệ nhân ở đây cũng chế tác những bức tượng rồng mini theo phong cách dân gian để phục vụ du khách. |
Làng nghề Trường Sơn cũng nổi tiếng với nghề truyền thống nặn tò he. Du khách có thể tự lên ý tượng, hình dáng để nặn, tô vẽ những món đồ chơi, con vật sinh động, ngộ nghĩnh. Mỗi ngày, làng nghề đón khoảng vài trăm du khách đến tham quan, vào dịp cuối tuần hay mùa cao điểm du lịch thì lượng khách lên tới hàng nghìn người, chủ yếu là khách nước ngoài. Với vị trí thuận lợi, không gian mang đậm nét văn hóa tuyền thống của người Việt, làng nghề Trường Sơn đã được chính quyền tỉnh Khánh Hòa công nhận là điểm du lịch. |
Bài viết cùng chủ đề:
tỉnh Khánh Hòa