Nhà máy xi măng 900 tỉ đồng bị lãng quên hơn 1 thập kỷ
Hoang tàn tại đại dự án 900 tỉ
Những ngày cuối tháng 8, ghi nhận của phóng viên, Dự án nhà máy xi măng Yến Mao (thuộc xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) nằm trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, chỉ có duy nhất bảo vệ trông coi 24/24 với tiêu chí “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Đại dự án nằm trên tổng diện tích hơn 20ha |
Ông N.K.D - bảo vệ nhà máy - cho biết, công trình đã bị bỏ hoang hơn chục năm, hiện không có hoạt động sản xuất nào cả.
"Trước có 1 xưởng gỗ thuê lại địa điểm để sản xuất nhưng sau đó bỏ đi. Hiện có một công ty giày da mượn nhưng cũng chỉ để làm kho chứa hàng" - ông D nói.
Dự án nhà máy xi măng 900 tỉ đồng “cửa đóng, then cài“. |
Sau khi thuyết phục bảo vệ, PV được vào phía trong mục sở thị Nhà máy xi măng Yến Mao gần nghìn tỉ đồng. Cả khuôn viên rộng lớn nhưng cây cỏ mọc um tùm, một số thiết bị sản xuất đã hoen rỉ, các dãy nhà cấp 4 và dây chuyền sản xuất nay đã sập xệ.
Đặc biệt, ngay lối vào là kho chứa hàng rộng hàng nghìn mét vuông, dựng bằng tôn, mà theo lời bảo vệ, đây là kho của một công ty Trung Quốc làm giày da.
Một số nhà xưởng được trưng dụng làm nhà kho của các đơn vị khác. |
Bà N.T.N - người dân khu 11 (xã Tu Vũ) sống sát nhà máy - chia sẻ, dự án bắt đầu khởi công vào năm 2004, năm 2006 thì đền bù. Họ chỉ xây dựng vài công trình nhỏ lẻ, đổ bê tông mặt bằng rồi bỏ hoang từ năm 2007 đến nay.
"Chủ đầu tư san gạt đồi khiến lượng đất đá rơi vãi xuống nhà dân sinh sống, vùi lấp hoa màu, ao cá… Chủ đầu tư hứa sẽ bồi thường nhưng từ đó đến nay vẫn chưa nhận được số tiền này.
Khổ nhất là những hôm mưa bão, do nhà máy chưa xây dựng hệ thống thoát nước nên lượng nước dồn xuống gây ngập úng nhà dân cả tuần trời, cuốn trôi hoa màu, cây cối… gia súc, gia cầm bị chết, thiệt hại nặng nề suốt mười mấy năm nay” - bà N.T.N bức xúc nhớ lại.
Hình ảnh còn lại sau 15 năm dự án bị bỏ hoang là các thiết bị rỉ sét, cây cối mọc um tùm. |
Mong chờ để rồi thất vọng
Quá trình tìm hiểu, PV nhận thêm phản ánh của một số hộ dân nằm trong diện phải di dời, tái định cư về việc chủ đầu tư và chính quyền xã Yến Mao (cũ) không thực hiện một số đúng cam kết như: Hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau di dời, chưa nhận đủ số tiền bồi thường lên tới hàng chục triệu đồng.
Người dân đều bức xúc khi kể về những lời hứa của chủ đầu tư dự án Nhà máy xi măng Yến Mao. |
Ông H.K.D - hộ dân phải di dời - cho hay, đến nay, chủ đầu tư vẫn còn nợ hơn 10 hộ dân tiền bồi thường thiệt hại hoa màu khi thi công nhà máy, hộ nhiều nhất là 60 triệu đồng, 40 triệu đồng, còn lại ít cũng 3 - 4 triệu đồng mỗi hộ.
“Số tiền ấy ở thời điểm đó là rất lớn. Chúng tôi có hỏi nhiều lần nhưng chủ đầu tư nói đã chuyển cho xã, hỏi xã thì họ nói chưa nhận được tiền, đùn đẩy cho nhau…
Sau di dời, 14 hộ dân gần như bị “bỏ mặc”, ám ảnh nhất là 4 năm ròng sống không có điện, khi làm đơn kiện thì cũng phải hơn 1 năm mới được cấp điện sinh hoạt” - ông H.K.D nhớ lại.
Tương tự ông N.K.H - hộ dân phải di dời - ngao ngán, lúc vận động chúng tôi di dời ra khu tái định cư, chủ đầu tư có hứa sẽ đổ đất, lu lèn, làm mặt bằng nhưng sau đó không thực hiện. Các hộ muốn xây nhà phải tự đổ đất, san lấp lấy mặt bằng, mất rất nhiều chi phí.
Nhà ông H có 7ha đất rừng trước kia trồng chè, chăn nuôi mỗi năm thu ít nhất vài trăm triệu. Khi có dự án nhà máy xi măng Yến Mao về, ông H rất ủng hộ, sẵn sàng giao đất, di dời vì nghĩ nhà máy sẽ tạo công ăn việc làm cho con em địa phương.
"Ngờ đâu xảy ra nhiều hệ lụy đến thế này, giờ chỉ mong Nhà nước thu hồi lại, để làm dự án khác có lợi cho người dân hơn” - ông N.K.H bày tỏ.
Tự phải san lấp để làm nhà, tất cả các hộ đều khó khăn, vất vả và thiếu thốn khi trở về nơi ở mới. |
Ông Đinh Văn Khóa - Phó chủ tịch UBND xã Tu Vũ - xác nhận, Dự án Nhà máy xi măng Yến Mao đã bỏ hoang hơn 10 năm nay.
Theo vị lãnh đạo này, những vấn đề trên, địa phương cũng đã nhận được kiến nghị của người dân. Do là các vấn đề bồi thường, di dời trước đây do UBND xã Yến Mao cũ thực hiện nên hiện nay gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giải quyết.
"Trong thời gian tới, tôi sẽ báo cáo lên các cấp thẩm quyền cao hơn để giải phép các vấn đề, thắc mắc của người dân" - ông Khóa khẳng định.
Theo tìm hiểu, dự án Nhà máy xi măng Yến Mao do liên doanh Công ty Phát triển Hùng Vương, Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại DIC, Nhà máy xi măng Hữu Nghị 1 làm chủ đầu tư với tổng vốn lên tới hơn 900 tỉ đồng. Dự kiến khi đi vào hoạt động trong quý IV/2008, sẽ có công suất 1 triệu tấn xi măng/năm.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng việc sản xuất của các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh của Sở Xây dựng, UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng đưa dự án Nhà máy xi măng Yến Mao ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam.