Nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, biến mất
Nghệ thuật truyền thống trước xu thế thương mại hoá
Nghệ thuật truyền thống Việt Nam chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc, phản ánh trí tuệ sáng tạo của con người Việt Nam. Trong lịch sử dân tộc, nghệ thuật truyền thống luôn có vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước, không tách khỏi sự nghiệp “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Nghệ thuật truyền thống Việt Nam - một trong những nguồn lực của sức mạnh mềm. Ảnh: TTXVN |
Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường hiện nay, tại Hội thảo khoa học quốc gia "Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế", ngày 6/3, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá, nghệ thuật truyền thống, với tư cách là sản phẩm hàng hóa, được công chúng đón nhận và đem lại nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, nghệ thuật truyền thống nằm trong nguồn thứ ba của sức mạnh mềm văn hóa - di sản văn hóa (cùng với bản sắc dân tộc và thể chế).
Tuy nhiên, ông Tạ Quang Đông nêu thực tế, hiện trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nghệ thuật truyền thống đứng trước xu hướng “thương mại hóa”, vì mục đích lợi nhuận, phải đối mặt với tình trạng mai một, biến dạng, biến mất... Đặc biệt, hội nhập quốc tế lại dẫn đến nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa dân tộc - nội sinh bị “hòa tan” vào văn hóa ngoại sinh. Bởi vậy, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống càng trở thành vấn đề nổi cộm, cần được chú trọng.
"Những nguy cơ đang đặt ra cần sớm có những giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế"- ông Tạ Quang Đông cho hay.
Nêu thực trạng về nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế, ông Trương Trọng Bình – Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho hay, hiện các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình Huế cũng đang mất đi môi trường diễn xướng nguyên thuỷ, nghệ nhân cung đình tản mác mỗi người một nơi, những kỹ năng được trình tấu trong chốn cung đình được chỉnh sửa… đã làm "tam sao thất bản" những vũ khúc, những bài bản, những vở tường đã từng chỉ dành riêng cho chốn cung đình.
Cần chính sách hỗ trợ phù hợp thực tiễn
Để phát huy sức mạnh mềm của nghệ thuật truyền thống, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam Lê Tuấn Cường đề xuất, cần bảo tồn bằng chính những vở diễn truyền thống; bảo tồn trong các nhà hát, đơn vị nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư dàn dựng những tác phẩm có chất lượng và quảng bá xúc tiến du lịch giới thiệu sản phẩm...
Còn theo ông Trương Trọng Bình, để cho sức sống của nghệ thuật diễn xướng Cung đình Huế thực sự trọn vẹn, cần kêu gọi các nhà khoa học, nghệ nhân, nghệ sĩ có tài cùng chung sức và những kho tàng văn bản bị hư hỏng, thất lạc đâu đó được tìm kiếm, giới thiệu trở lại. Có như vậy, những giá trị di sản này mới có thể trở về nguyên bản và phát huy hết những vẻ đẹp vốn có.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, ông Trần Văn Hiếu - Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam nêu ý kiến, đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số như là các gợi ý hữu ích nhằm lưu trữ, ghi chép và truyền dạy nghệ thuật truyền thống. Công nghệ cũng là công cụ quảng bá và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại, đưa nghệ thuật truyền thống trở nên gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ…
Khuyến nghị thêm về mặt chính sách, theo bà Trần Thị Minh Thu - Viện Văn hoá, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam, hiện thực thi chính sách bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật còn tồn tại những bất cập về chính sách hỗ trợ nghệ sĩ, còn thiếu vắng chính sách đầu tư, quan tâm phát triển công chúng của nghệ thuật truyền thống.
Đặc biệt, ttrong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập, bà Trần Thị Minh Thu cho rằng, công chúng bị phân hoá về vùng miền, lứa tuổi… Điều này làm nghệ thuật biển diễn truyền thống bị co hẹp phạm vi tồn tại. Do vậy, những tồn tại hiện nay đòi hỏi chính sách Nhà nước cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn chính sách hiện nay.
Từ thực trạng của nghệ thuật chèo, ông Lê Tuấn Cường cũng cho rằng, cần xây dựng chính sách đãi ngộ với nghệ sĩ, khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng duy trì, phục hồi tập quán xã hội, tín ngưỡng và các các lễ hội vùng miền liên quan đến nghệ thuật truyền thống. “Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp, cần có sự phối hợp đồng bộ để giải quyết tình hình khó khăn của nghệ thuật truyền thống” - theo ông Lê Tuấn Cường.
Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, nghệ thuật truyền thống nằm trong nguồn thứ ba của sức mạnh mềm văn hóa - di sản văn hóa (cùng với bản sắc dân tộc và thể chế). Với tư cách là sản phẩm hàng hóa, nghệ thuật truyền thống được công chúng đón nhận và đem lại nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân. |