Thứ ba 26/11/2024 11:09

Nghệ An: Vì đâu dân tái định cư thuỷ điện "hồi hương"?

Thời gian vừa qua, nhiều hộ dân vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã được tái định cư tại huyện Thanh Chương lại quay trở về sinh sống, làm ăn trong vùng lòng hồ thủy điện. Họ quay lại chốn cũ với cuộc sống tạm bợ, không hộ khẩu, không đăng ký tạm trú, không tấc đất cắm dùi... 

Khi tái định cư không còn là “vùng đất hứa”

Với 2 giờ đồng hồ ngồi trên xuồng máy, chúng tôi mới di chuyển được vào vùng lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ (Tương Dương). Không khó để bắt gặp những vạt rừng bị phát nham nhở để làm rẫy; những mái nhà dựng tạm bợ trên những chiếc bè, sườn núi... để mưu sinh. Cuộc sống tạm bợ đã dẫn đến bao hệ lụy khiến chính quyền nơi đây đang loay hoay tìm hướng giải quyết.

Nhiều ngôi nhà tạm được dựng lên một cách bất hợp pháp

Dự án thuỷ điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) có công suất 320 MW, tổng vốn đầu tư 7.781 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2004 và đưa vào vận hành từ năm 2010. Để thực hiện dự án đã phải di dời, tái định cư 3.022 hộ dân, trong đó có 2.127 hộ phải di dời về các khu tái định cư tập trung ở huyện Thanh Chương. Các hộ dân đã được tái định cư trở ở huyện Thanh Chương quay trở về nơi cũ ở vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương đang kéo theo nhiều hệ lụy xấu, gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý đất đai, cũng như vấn đề an ninh, trật tự trên địa bàn.

Ông Lô Văn Chương - người dân tái định cư cho biết: “Tôi nguyên quán bản Chà Luôn cũ, xã Luôn Mai, huyện Tương Dương, được di dời tái định cư về huyện Thanh Chương. Trước đây khi ở đây chúng tôi ổn canh, ổn cư, làm nương rẫy, về làm ăn ổn định, nhưng sau khi có chủ trương di dời về huyện Thanh Chương thì đất đai cũng chưa cụ thể, nhiều cái bất cập. Tôi có 5 khẩu nhưng chỉ được 1,2 ha đất. Qua quá trình về Thanh Chương, con thì đi học, mình không biết làm sao kiếm ra tiền nên buộc phải lên trên quê cũ làm ăn”.

Bà con quay về quăng chài thả lưới kiếm sống qua ngày

Quay trở về nơi cũ ở vùng lòng hồ, các hộ dân đang sống trong tình cảnh tạm bợ, hiểm nguy. Điện không có, sóng điện thoại lúc có lúc không và nước sạch cũng không; con cháu thất học. Cuộc sống của các hộ dân coi như biệt lập, tách biệt với bên ngoài.

Nguyên nhân chính các hộ quay trở lại vùng lòng hồ là do điều kiện sống tại khu tái định cư huyện Thanh Chương không đảm bảo; việc hỗ trợ, đền bù đất đai tại nơi ở cũ ở vùng lòng hồ chưa thỏa đáng. Mặt khác, nơi ở cũ là vùng lòng hồ trước đây đã từng gắn với tập quán, sinh hoạt, cuộc sống của các hộ dân tái định cư từ lâu đời, quay trở lại vùng lòng hồ các hộ có thể làm được nhiều nghề để có thu nhập và có cuộc sống qua ngày.

Một mình huyện không thể giải quyết được

Ở khu tái đinh cư Hạnh Lâm (Thanh Chương) nhiều hộ dân ở lại canh tác vùng chè nguyên liệu

Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch thường trực HĐND huyện Tương Dương, cho biết: “Áp lực lớn nhất cho địa phương là quản lý xã hội trên địa bàn với nhiều vấn đề trong quản lý dân cư, quản lý đảm bảo an ninh trật tự, công tác phòng chống cháy rừng trên khu vực lòng hồ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, có khoảng gần 300 hộ quay về sinh sống ở vùng lòng hồ nhưng hiện nay còn khoảng 85 hộ, đã giảm được hai phần ba…”.

Để sớm ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân quay trở lại nơi tái định cư ở huyện Thanh Chương, huyện Tương Dương và tỉnh Nghệ An đang đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết nhiều kiến nghị của người dân, trong đó có các chính sách về bồi thường, hỗ trợ đất đai.

“Huyện sẽ kiên trì vận động bà con về lại khu tái định cư. Huyện cũng mong muốn các cấp có thẩm quyền khẩn trương xác định lại đất đai bồi thường cho bà con trước đây đã được cấp sổ để bà con được thụ hưởng chính sách đất đai. Huyện Tương Dương cũng sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân về đất đai”, ông Hợi nói.

Để ngăn chặn các hộ dân quay trở về sinh sống ở lòng hồ thì cần cả hệ thống chính trị từ xã đến tỉnh vào cuộc mạnh mẽ hơn, còn với địa phương, đã hạn chế bằng cách nghiêm cấm phá rừng làm rẫy, không nuôi cá vùng lòng hồ…

Rõ ràng, việc các hộ dân nằm trong diện di dời do ảnh hưởng của thuỷ điện Bản Vẽ quay trở lại lòng hồ làm ăn, sinh sống là trái quy định, bất hợp pháp. Nhưng, vấn đề đặt ra là sẽ giải quyết dứt điểm theo hướng nào?. Câu chuyện giải quyết cuộc sống hàng ngày rất khó khăn. Không thể để người dân tiếp tục sống tạm bợ trên lòng hồ bởi sẽ xảy ra nhiều hệ lụy. Nhưng để bố trí cho họ ở lại thì rất khó trong việc tìm quỹ đất tái định cư và đất sản xuất, chưa kể lấy đâu kinh phí xây dựng hạ tầng.

Theo ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư huyện Tương Dương - đến thời điểm hiện tại, số dân quay trở lại đã giảm đáng kể so với những năm trước đây. Thế nhưng huyện chưa tìm được hướng giải quyết căn cơ, lâu dài, triệt để. Vấn đề này ngoài tầm giải quyết của huyện vì có liên quan đến trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp. Nhưng huyện xác định sẽ là đầu mối gắn kết, đề xuất với các ngành để sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất. "Chúng tôi đang tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương pháp luật, không chặt phá rừng làm rẫy, đánh bắt thuỷ sản kiểu huỷ diệt, chăn thả gia súc hợp lý, đảm bảo an ninh trật tự, kết nối với chính quyền để được khám chữa bệnh, đăng ký khai sinh cho trẻ mới sinh ra", ông Hải cũng thẳng thắn chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 28/3/2019, trong cuộc họp bàn giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ được tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu rõ quan điểm là phải quan tâm đến người dân tái định cư. Với quan điểm chỉ đạo rõ ràng như vậy, kỳ vọng những tồn tại, vướng mắc tái định cư thủy điện Bản Vẽ sẽ được giải quyết dứt điểm để không còn tình trạng người dân quay trở lại vùng lòng hồ sinh sống, làm ăn.
Hoàng Trinh

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Tăng tốc hoàn thành kế hoạch, giữ vững tăng trưởng 2 con số

Lạng Sơn: Phê duyệt mức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở nhiều nơi ở huyện miền núi Bắc Trà My

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố Thanh Hóa sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Thừa Thiên Huế: Công điện hoả tốc ứng phó mưa lũ, học sinh được nghỉ học

Nước lũ dâng cao, tỉnh Quảng Ngãi di dời khẩn cấp người dân

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở làm sập tường ở điểm trường Răng Chuỗi huyện Nam Trà My

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Sẽ sớm ổn định cuộc sống cho người dân khu tái định cư dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Quảng Ninh tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên than

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Tăng trưởng GRDP năm 2024 dự kiến đạt 7,5-7,8%

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Dân ca Quan họ Bắc Ninh: 15 năm lan tỏa mạnh mẽ

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà

Quảng Ninh: Doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất nhờ tiết kiệm điện

Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bắc Giang: Kiểm soát bình ổn thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu