Nghệ An: Người vay tiêu dùng, vay trả góp được giảm lãi suất
Chờ câu trả lời từ ngân hàng cả tháng nay
Đối tượng vay ngân hàng (NH) bị ảnh hưởng mạnh nhất là mua nhà trả góp, những người làm trong các lĩnh vực như du lịch, giáo dục... đang không biết lấy gì để trang trải tiền nợ, lãi hằng tháng nếu không được NH giãn nợ, giảm lãi suất.
Các Ngân hàng sẽ có quy định khác nhau và mức giảm tùy theo từng đối tượng chứ không có chính sách chung cho tất cả các đối tượng vay tiêu dùng |
Chị Thanh Thuỷ là giáo viên (TP. Vinh - Nghệ An) cho hay, năm trước vợ chồng chị vay gần 1 tỷ đồng của một NH cổ phần để mua nhà, lãi suất biến động theo năm. Tháng nào vợ chồng chị cũng phải góp gần 15 triệu đồng cả gốc và lãi. Trước đây do có thêm thu nhập từ nguồn dạy thêm ở trung tâm Anh ngữ nhưng nay các trung tâm đóng cửa vì dịch bệnh nên chỉ còn lương cơ bản của trường, vì vậy rất khó để xoay xở trả nợ.
“Do nhiều tháng không trả đúng hẹn với NH, tôi đã lên trực tiếp gặp và hỏi có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất cho cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hay không thì nhân viên ngân hàng nói, hiện tại chỉ mới áp dụng cho doanh nghiệp, còn cá nhân thì chưa thấy có gói nào triển khai…" – chị Thuỷ buồn bã.
Anh Trần Trung Hiếu (P. Hưng Dũng - TP Vinh) mua trả góp ô tô để chạy xe hợp đồng du lịch. Nhưng từ đầu mùa dịch đến nay, xe không chạy được, nằm đắp chiếu. Mỗi tháng anh Hiếu phải trả nợ vay mua ô tô gần 12 triệu đồng/tháng cả gốc và lãi. "Hiện tại, tôi chưa biết xoay đâu tiền hàng tháng để trả lãi NH, rồi còn chi phí sinh hoạt hàng ngày cả gia đình nhìn vào đó. Nếu NH không hỗ trợ chắc tôi phải bán xe trả nợ. Tôi cũng đã hỏi NH có chính sách nào hỗ trợ khách hàng cá nhân không nhưng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu là chưa có, và cùng lắm được trả lời là đang xem xét"…. anh Hiếu chia sẻ.
Người vay khổ, ngân hàng khó
Đại diện một số NH thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho biết, khoảng một tháng nay liên tục nhận được đơn, cuộc gọi từ khách hàng hỏi về việc miễn, giảm lãi hoặc giãn nợ cho các khoản vay đến hạn. Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, để được xét giảm lãi suất, giãn nợ, khách hàng phải thỏa mãn nhiều điều kiện mà NH đặt ra như phải nằm trong những ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng và nguồn này phải là khoản thu nhập mà khách hàng kê khai trong hồ sơ vay ban đầu với NH.
Bên cạnh đó, các NH sẽ có những quy định khác nhau và mức giảm tùy theo từng đối tượng, chứ không có chính sách chung cho tất cả các đối tượng vay tiêu dùng. Theo Chi nhánh NH Vietinbank Nghệ An, do ảnh hưởng của dịch Covid nên tốc độ trả nợ chậm hơn, nhiều khách hàng sau 3-4 ngày sau hạn mới trả được nợ. Các khách hàng mua xe vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, ô tô riêng, kinh doanh các mặt hàng thương mại dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Giám đốc VietinBank Nghệ An cho hay, NH có chính sách giảm lãi, giãn nợ để hỗ trợ người vay nhưng phải xét trên từng trường hợp cụ thể. Khách hàng phải chủ động đề nghị NH và trình bày nguồn thu nhập bị sụt giảm như thế nào, trên cơ sở đó NH sẽ thẩm định lại. Do vậy không phải tất cả trường hợp đề xuất đều được xét duyệt. Cũng không có công thức chung mà căn cứ vào mức độ giảm thu nhập của khách hàng.
Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, NH sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.
Đối với nhu cầu vay mới hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mức giảm cụ thể tùy thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của khách hàng. NH này cũng đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm tối đa 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019; Gói tín dụng 5.000 tỷ cho vay ngắn hạn khách hàng cá nhân kỳ hạn đến 6 tháng.