Nghệ An lên chiến lược phát triển bài bản cho cây cam
Thời điểm này, tại Nghệ An, cây cam đã bắt đầu vào vụ chính, giá cam bán tại vườn trung bình 30.000 - 35.000 đồng/kg, 1ha cam đạt doanh thu gần 500 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí sản xuất 1 ha cam hết 120 triệu đồng, trừ đi chi phí, 1 ha cam có lãi thấp nhất gần 300 triệu đồng/năm.
Theo nhiều chủ vườn cho biết, vào dịp tết giá cam thường cao gấp đôi, gấp ba lần giá bán bình quân. Như vậy, nếu tính giá bán gấp đôi là 60.000 đồng/kg, thì 1 ha cam cho lãi trên 690 triệu đồng/ha.
Từ thực tế nêu trên, tỉnh Nghệ An đang có kế hoạch phát triển cây có múi, trong đó chủ lực là cây cam trên địa bàn từ sản lượng 48 nghìn tấn năm 2015 lên trên 87 nghìn tấn vào năm 2020, đạt giá trị sản lượng tương đương 2.610 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020, Nghệ An sẽ xuất khẩu khoảng 15 nghìn tấn cam, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30.000 nghìn USD.
Tỉnh cũng đã hình thành các vùng cây ăn quả có múi tập trung góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả cao, bền vững nhiều nhất ở các vùng miền núi cao như Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Yên Thành...
Tại Quỳ Hợp (một trong những địa phương trồng cam lớn nhất tại Nghệ An với thương hiệu cam Vinh), từ năm 2007 đến nay, được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý thương hiệu cam Vinh, cây cam, quýt ở huyện bắt đầu phát triển mạnh. Đến nay, toàn huyện có 1.945,5ha cây ăn quả có múi tập trung ở các xã Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Văn Lợi, Hạ Sơn. Trong số các cây ăn quả có múi, cây cam vẫn là cây trồng có vị thế đứng đầu với diện tích hơn 1.500 ha, trong đó diện tích cam kinh doanh khoảng 600 ha, sản lượng cam bình quân toàn huyện đạt 12.000 tấn/năm.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn huyện Quỳ Hợp phấn đấu có 3.000 cây ăn quả có múi, trong đó diện tích cây cam chiếm hơn 2.400 ha. Năng suất bình quân các giống cam đạt 21,5 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 31.150 tấn/ năm. Thu nhập của người trồng cam đạt từ 500 - 800 triệu đồng/ năm.
Dẫu có nhiều cố gắng, nhưng phải thừa nhận việc trồng cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay vẫn còn những tồn tại như, việc trồng cam tự phát tràn lan ở nhiều vùng khác nhau; tình trạng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn tràn lan; Quy trình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap chỉ mới áp dụng trong phạm vi hẹp; Sản phẩm cam sau thu hoạch chưa đạt yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các nước tiên tiến; Công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm từ cam chưa được áp dụng đồng bộ...
Để phát triển một cách bền vững cây cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo các chuyên gia cần tập trung tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch vùng cam, hạn chế tối đa việc nông dân tự phát trồng cam tràn lan; Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu về khoa học kỹ thuật cho người trồng cam; Khuyến khích và có các chính sách hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, cải tiến, sáng chế các công cụ lao động, thu hoạch, bảo quản nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất; Thành lập các đại lý giới thiệu sản phẩm cam Quỳ Hợp tại TP Vinh, Hà Nội và một số xã trên địa bàn huyện như: Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Thị trấn Quỳ Hợp; Thiết kế Website, Facebook để quảng bá thương hiệu cam địa phương một cách rộng rãi, bài bản, hiệu quả...