Ngày này năm xưa 7/10: Thành lập Công ty Điện lực miền Trung, ban hành Nghị định về Luật Hoá chất
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 7/10 trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
7/10/1877, người Pháp khởi công xây dựng Nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) và khánh thành vào dịp lễ phục sinh năm 1880. Nhà thờ Đức Bà do kiến trúc sư Pavrard thiết kế theo mẫu của nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris (Pháp).
Từ ngày 7/10 - 22/12/1947, giặc Pháp huy động hơn 2 vạn quân tinh nhuệ, có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, mở cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta, kết thúc “chớp nhoáng” cuộc chiến tranh xâm lược nhưng thất bại. Ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch, bắt sống 270 tên, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến và ca nô, phá 100 khẩu pháo và hàng nghìn khẩu súng, hàng trăm xe quân sự, thu hàng tấn chiến lợi phẩm.
Ngày 7/10/1998, khai mạc Đại hội Công đoàn toàn quân lần thứ V với sự tham dự của 300 đại biểu đại diện cho hơn 10 vạn đoàn viên công đoàn.
Ngày này năm xưa 7/10: Chính phủ ban hành Nghị định về Luật Hoá chất |
Ngày 7/10/2004, khánh thành công trình bảo tồn - tôn tạo di tích Trung ương Cục miền Nam và các cơ quan đầu não của Trung ương Cục thời kỳ 1961-1962 tại Mã Đà, Chiến khu D (thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Dịp này, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức nghi thức rước Bằng công nhận Di tích quốc gia Trung ương Cục miền Nam.
Ngày 7/10/2017, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.
Ngày 7/10/1975, Bộ trưởng Bộ Điện và Than ký quyết định thành lập số 1867 QĐ/TCCB-3 thành lập Công ty Điện lực miền Trung tiền thân của Tổng Công ty Điện lực miền Trung gồm các cơ sở điện lực do chính quyền Sài Gòn xây dựng, của SIPEA do Pháp quản lý, nhà máy điện Quảng Trị thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, nhà máy điện Quảng Bình của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; có nhiệm vụ sản xuất, truyền tải, kinh doanh điện năng và quản lý đầu tư xây dựng các công trình nguồn, lưới điện trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên.
Ngày 7/10/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 113/2003/NĐ-CP về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón.
Ngày 7/10/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung của Quy chế về hàng kinh doanh, hàng miễn phí ban hành kèm theo Quyết định 205/1998/QĐ-TTg ngày 19/10/1998.
Ngày 7/10/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hoá chất.
Ngày 7/10/2020, ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử. Chính phủ quyết nghị: Thông qua đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định trình Chính phủ trong quý I/2021 theo đúng trình tự, thủ tục quy định: nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến các thành viên Chính phủ đối với nội dung dự thảo trong quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
Sự kiện quốc tế
Ngày 7/10/1919, Hãng hàng không quốc gia KLM của Hà Lan được thành lập, là hãng hàng không lâu năm nhất vẫn hoạt động với tên gọi ban đầu.
Ngày 7/10/1933, năm hãng hàng không của Pháp hợp nhất thành Air France.
Ngày 7/10/1949, Cộng hòa Dân chủ Đức được thành lập với việc thông qua hiến pháp.
Ngày 7/10/1952, ngày sinh của Tổng thống Nga Vladimir V. Putin - người đã ghi nhiều dấu ấn lớn về kinh tế, quân sự và xã hội. Năm 2007, tạp chí Time bình chọn Putin là Nhân vật của năm. Ngoài ra, vào các năm 2013, 2014, 2015 và 2016, ông luôn đứng đầu danh sách những người quyền lực nhất theo bình chọn của tạp chí Forbes.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 7/10/1921, trên báo “Le Libertaire” (Tự Do), đăng bài “Hãy yêu mến nước Pháp, người bảo hộ của các anh” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Bằng một giọng văn châm biếm, tác giả tố cáo chính sách ngu dân của thực dân Pháp và mỉa mai kết luận: “Hỡi! nước Pháp, nếu người biết chúng tôi được che chở như thế nào, người sẽ kiêu hãnh là những kẻ bảo hộ chúng tôi”.
Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang chụp cùng Bác Hồ tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Ngày 7/10/1945, Bác dự lễ khai mạc Triển lãm Văn hóa. Đánh giá hoạt động văn hóa dưới thời thuộc địa, Bác cho rằng: “Văn hóa Việt Nam dưới sự áp bức của đế quốc vẫn cố thở, cố tìm cách phát triển...” và cổ vũ: “Văn hoá là một cấu trúc thượng tầng. Nhưng cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hoá mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được... Giới văn hoá cũng phải cùng các giới đồng bào đi qua chặng đường ấy. Mong rằng anh em văn hóa đã cố gắng, xin cố gắng mãi lên!”.
Ngày 7/10/1949, sau phiên họp Chính phủ, Bác chủ tọa buổi đón tiếp phái đoàn Nam bộ mới ra Bắc gồm 25 người. Theo Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến, cha Phạm Bá Trực thay mặt Quốc hội và Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ tỏ lời hoan nghênh đoàn đại biểu, khen ngợi tinh thần dũng cảm của đồng bào và chiến sĩ Nam bộ.
Ngày 7/10/1954, phát biểu tại Hội nghị cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam đã “từ chiến tranh chuyển sang hòa bình” vì thế “cách đấu tranh có thay đổi là đấu tranh trong hòa bình, mà đấu tranh trong hòa bình còn gian khổ phức tạp hơn thời kỳ chiến tranh”.
Ngày 7/10/1965, nhân đến mừng Quốc khánh tại Sứ quán Cộng hòa Dân chủ Đức ở Hà Nội và tiếp nữ nhà báo Đức I. Faber - người đã cùng chồng dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Đức, trong câu chuyện trao đổi, Bác nói: Nguyễn Du là một nhà thơ cổ điển vĩ đại của chúng tôi. Với tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã và đang đấu tranh cho một xã hội bình đẳng. Viết một tác phẩm như vậy trong thời đại của ông là dũng cảm lắm... Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông.