Ngày mai (12/5) diễn ra Hội thảo Văn hoá 2024 tại tỉnh Quảng Ninh
Hội thảo Văn hoá 2024 do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức. Dự kiến, hơn 300 đại biểu tham dự hội thảo.
Hội thảo là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực để triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam; tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về chấn hưng văn hóa dân tộc; đồng thời, đây cũng là Hội thảo về văn hóa thứ 2 do Quốc hội chủ trì, tiếp nối sự thành công của Hội thảo Văn hóa năm 2022.
Hội thảo nhằm góp phần tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Thiết chế văn hóa, thể thao là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa, thể thao của Nhân dân, góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
Thời gian qua, việc sử dụng và quản lý các thiết chế đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong các thiết chế văn hoá, đặc biệt là thiết chế nhà văn hóa còn đơn giản, chủ yếu do nhân dân đóng góp, mua sắm nên chưa có sự đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động.
Theo đó, Hội thảo Văn hóa 2024 chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” là nhằm góp phần tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam; tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao về việc thực hiện chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Trưởng Ban tổ chức hội thảo cho biết, trên cơ sở đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc, hội thảo sẽ đề xuất các giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Với tham luận về phát huy vai trò của thiết chế văn hoá cổ truyền trong xã hội đương đại, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền – nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam sẽ chỉ rõ nội dung và vai trò của thiết chế văn hóa và những tác động đến sự phát triển của văn hóa.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, trên lát cắt đương đại, thiết chế văn hóa gồm thiết chế văn hóa cổ truyền và thiết chế văn hóa đương đại. Trong đó, nói đến thiết chế văn hóa đương đại là nói đến nhà văn hóa, khu thể thao ở cấp thôn/khu phố, ở cấp xã, phường, thị trấn, ở cấp huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh và ở cấp tỉnh/thành phố thuộc trung ương.
Xem xét vai trò của thiết chế văn hóa cổ truyền trong xã hội đương đại, nhất là ở cơ sở, chúng ta phải thấy cả thiết chế văn hóa cổ truyền lẫn thiết chế văn hóa đương đại cùng một chủ thể và một khách thể. "Điều cần quan tâm là nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của người dân càng ngày càng tăng, trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế và cả thế giới bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0), đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu ấy của mọi tầng lớp nhân dân là một thách thức với các nhà quản lý văn hóa"- Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền cho hay.