Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên: Hội chợ ý tưởng
Ngày hội được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp; giúp học sinh, sinh viên thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Đồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên có tính khả thi cao; tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan các gian hàng trưng bày tại ngày hội khởi nghiệp |
Trong lần thứ 3 tổ chức, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã thu hút 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia.
Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là đơn vị chịu trách nhiệm triển khai đề án quan trọng này. Để cụ thể hoá Đề án 1665, Bộ GD&ĐT đã giao Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova (NOVAEDU) là đầu mối thực hiện chuỗi các sự kiện liên quan như Cuộc thi ý tưởng Khởi nghiệp Học sinh Sinh viên (HSSV) và Ngày hội khởi nghiệp quốc gia (SV_StartUp) từ năm 2018. Hành trình người khởi nghiệp tại các trường PTTH, Cao Đẳng và Đại học từ tháng 9/2020 đến tháng 6/2021. Với sự “vào cuộc” của cộng đồng Doanh nghiệp, Doanh nhân cùng thực hiện đề án. |
Trong Ngày hội, 72 dự án được lựa chọn trong tổng số 600 dự án vào vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” mở một gian hàng tại Đại học Thủy lợi để giới thiệu về các sản phẩm của mình. Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực: Khoa học, công nghệ; chế tạo sản phẩm; nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch; tài chính, ngân hàng; kinh doanh tạo tác động xã hội;… Hầu hết các sản phẩm lọt vào vòng chung kết đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và có thể áp dụng vào thực tiễn.
Bạn Nguyễn Mạnh Cường – sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho biết ý tưởng về chiếc chổi quét trần nhà 4.0 nảy lên khi bạn về quê thăm nhà: “Mỗi lần về quê, khi dọn dẹp nhà cửa, mình nghĩ là phải tạo ra một sản phẩm để ngăn bụi bặm ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình.”
Bạn Phan Khánh Ly, sinh viên Học viện Ngân hàng lại gặp khó khăn về các vấn đề pháp lý khi bắt đầu nảy ra ý tưởng khởi nghiệp. Cô cho biết, ý tưởng ban đầu của nhóm là tạo ra một không gian thanh toán nhưng lại vướng nhiều vấn đề về pháp lý nên không thể thực hiện. Cuối cùng, nhóm các bạn trẻ đến từ Học viện ngân hàng quyết định thực hiện phần mềm nhận diện khuôn mặt khách quen dành cho các quán ăn, quán cà phê,…Cường cũng cho biết trong quá trình thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, cậu và các đồng đội gặp rất nhiều khó khăn trong các vấn đề như tài chính và marketing. Đây cũng là vấn đề mà hầu hết các nhà khởi nghiệp trẻ, đặc biệt là sinh viên trong ngành kỹ thuật vướng mắc khi đưa sản phẩm của mình ra mắt công chúng
Các dự án tham gia cuộc thi mới là ý tưởng sơ khai, chưa tung ra thị trường. Việc tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” là cơ hội giúp các bạn học sinh, sinh viên cọ xát, đánh giá về khả năng thực thi của dự án và có thể nhận được tài trợ. Bạn Nguyễn Mạnh Cường hy vọng, một ngày nào đó, nhóm của bạn có thể mở xưởng sản xuất những chiếc chổi quét trần tự động chứ không còn phải lắp ráp thủ công như hiện nay.
Được biết, cuộc thi được phát động từ tháng 7/2020 và đã nhận được gần 600 bài dự thi, tăng gấp hai lần so năm 2019.