Ngày 21/9/2014: Thép Lào Cai chính thức ra thị trường
Nhà máy Gang thép Lào Cai được trang bị dây chuyền công nghệ hiện đại
- VTM là doanh nghiệp liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty Khoáng sản Lào Cai và Tập đoàn Gang thép Côn Minh (Trung Quốc). Công ty có nhiệm vụ đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai và mỏ sắt Quý Xa, quản lý vận hành sản xuất sau khi công trình hoàn thành. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là gần 337,52 triệu USD, trong đó, Nhà máy gang thép chiếm gần 307 triệu USD, mỏ sắt Quý Xa và hạng mục thành phần là 30 triệu USD. Nhà máy Gang thép Lào Cai giai đoạn 1 có công suất 500.000 tấn phôi thép/năm, tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo thắng, được khởi công xây dựng ngày 17/4/2011.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Tổng giám đốc VTM - cho biết, giai đoạn từ năm 2006 đến 2011, công ty chủ yếu chuẩn bị các công việc đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, san tạo mặt bằng xây dựng, lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng EPC giữa Công ty Liên doanh VTM với Tập đoàn Gang thép Côn Minh; thiết kế, cung cấp thiết bị vật tư, xây dựng và lắp đặt dây chuyền công nghệ luyện gang, luyện thép và các hạng mục phụ trợ công suất 500.000 tấn/năm.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (thứ 3 từ phải sang), Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng (thứ 4 từ phải sang) thăm, động viên công nhân nhà máy (ngày 9/7/2014)
Việc sản xuất ra tấn phôi thép đầu tiên từ quặng sắt Quý Xa và đưa Liên hợp Gang thép Lào Cai vào sản xuất có ý nghĩa quan trọng đối với ngành thép Việt Nam: Sử dụng nguồn tài nguyên mỏ sắt Quý Xa để chế biến sâu đến sản phẩm cuối cùng là gang thép với giá trị kinh tế cao. |
Ngày 17/4/2011, Nhà máy gang thép Lào Cai chính thức khởi công xây dựng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dự án gặp rất nhiều khó khăn, như: lãi suất ngân hàng cao, biến động về tỷ giá đôla Mỹ/đồng nhân dân tệ/Việt Nam đồng... ảnh hưởng lớn đến tổng thầu và chủ đầu tư, nhiều nhà thầu phụ suy giảm năng lực..., nên tiến độ xây dựng nhà máy bị chậm lại, không đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công cũng như cung cấp và lắp đặt thiết bị. Trước tình hình đó, cuối năm 2012, các bên liên doanh và VTM đã họp bàn biện pháp, tháo gỡ vướng mắc, tập trung cao độ thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị, bảo đảm tiến độ dự án.
Đầu năm 2013, tổng thầu đã quyết định thay các nhà thầu phụ do suy giảm năng lực bằng các nhà thầu phụ mới có đủ năng lực vào thi công. Với sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm của VTM, Tổng công ty Thép Việt Nam và đối tác liên doanh, nhất là sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo tỉnh Lào Cai, cùng các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương. Chủ đầu tư và tổng thầu đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, tập trung khắc phục khó khăn tồn tại, tiến độ dự án đã khởi sắc. Cùng với Nhà máy gang thép Lào Cai, mỏ Quý Xa và các hạng mục dự án thành phần khác cũng đã được VTM triển khai đồng bộ.
Cuối năm 2013, công tác xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị Nhà máy gang thép đã hoàn thành cơ bản. Mỏ Quý Xa đã đưa dây chuyền nghiền tuyển quặng vào sản xuất, bảo đảm cung cấp đủ nguyên liệu cho Nhà máy gang thép.
Đầu năm 2014, chủ đầu tư và tổng thầu tiến hành chạy thử đơn động, chạy thử liên động không tải thiết bị, chuẩn bị các điều kiện vận hành chạy thử nóng thiết bị, tiến hành chạy sản xuất thử. Cuối tháng 5/2014, sau khi chuẩn bị đủ các điều kiện, công ty đã khai hỏa lò cao xưởng luyện gang, lò chuyển xưởng luyện thép. Mẻ gang đầu tiên ra lò, những tấn sản phẩm phôi thép đầu tiên được sản xuất tại VTM đã bắt đầu tham gia thị trường, cung cấp cho nhu cầu sản xuất thép trong nước và tham gia xuất khẩu.
Quỳnh Minh