Ngành Thủy sản phấn đấu xuất khẩu 8,6 tỷ USD năm 2021
Trình bày báo cáo tóm tắt tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 diễn ra ngày 26/12, ông Nguyễn Quang Hùng- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)- cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động tạm thời. Hạn mặn khốc liệt, kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long khiến người nuôi khó thả giống vụ mới, cá đang nuôi bị bệnh, chết; doanh nghiệp chế biến chủ yếu thu mua cá nguyên liệu trong chuỗi liên kết hoặc cá của doanh nghiệp khiến lượng cá tồn trong dân khá cao; hàng tồn trong kho doanh nghiệp khá cao. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá nước lạnh, tôm hùm, ốc hương, …) giảm, do các đối tượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong các nhà hàng. Ngành thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ, Ecuador đều tăng cường nuôi tôm nguyên liệu để cung ứng ra thị trường thế giới.
Toàn cảnh Hội nghị |
Vượt qua khó khăn thách thức, ước năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 3,05% so với năm 2019, tổng sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8%, trong đó sản lượng sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,1%, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,4 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Trung- Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản)- cho biết, hiện nay, nguồn lợi hải sản đang ngày càng có dấu hiệu suy kiệt. Việc khai thác, đánh bắt tận thu, nhất là đối với hải sản nhỏ một cách bừa bãi là đáng báo động khiến nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt. Do đó, cần hướng đến phát triển bền vững chứ không đặt nặng vấn đề tăng sản lượng khai thác.
Theo ông Trần Đình Luân- Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, hiện nay, việc kiểm tra, xử lí đối với hoạt động khai thác ven bờ thuộc tránh nhiệm của các địa phương. Vì vậy thời gian tới, trước mắt là ngay trong năm 2021, ngành thủy sản sẽ phải đặt trọng tâm cùng với các địa phương siết chặt lại khâu kiểm tra, giám sát, xử lí đối với các hoạt động khai thác trái phép, tận thu, các hình thức vi phạm vùng bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Bên cạnh đó, sẽ tập trung rà soát, đẩy mạnh xây dựng các vùng bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các vùng cấm khai thác, mùa cấm khai thác, các bãi đẻ… Đồng thời, phát động sâu rộng hơn nữa tại các địa phương phong trào thả cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Đặt mục tiêu cho năm 2021, ông Nguyễn Quang Hùng cho hay, sẽ giữ ổn định diện tích nuôi trồng thủy khoảng 1,3 triệu ha; duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,5 triệu tấn, bằng 101,1% so với ước thực hiện năm 2020. Trong đó: Sản lượng khai thác khoảng 3,61 triệu tấn, bằng 93,6%; sản lượng nuôi trồng 4,9 triệu tấn, bằng 107,4%.
Sản lượng cá tra 1,5 triệu tấn, bằng 96,2% so với ước thực hiện năm 2020; sản lượng tôm nước nuôi 980 nghìn tấn, bằng 103,2%; trong đó, tôm sú 280 nghìn tấn, bằng 104,6%; tôm thẻ chân trắng 650 nghìn tấn, bằng 102,8%, tôm khác 50 ngàn tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 8,6 tỷ USD, bằng 102,6% so với 2020.
Ông Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, ngành Thủy sản cần phải có tầm nhìn, chứ không được ăn đong. Ngành Thủy sản đề ra giảm khai thác, nhưng giảm như thế nào, bước đi ra sao? Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặt câu hỏi và đề nghị ngành hàng này phải có chiến lược, đề án cụ thể. Thị trường toàn cầu ngành hàng Thủy sản rất lớn, khoảng hơn 200 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới có 9 tỷ USD, đây là một con số vẫn rất khiêm tốn so với tiềm năng của ngành hàng này. Ngành thuỷ sản phải đẩy mạnh khoa học công nghệ vào trong cả nuôi trồng, chế biến, khai thác thủy sản, phải có mã ao, mã vùng. Cần có tư duy mới cách làm và phương pháp mới. Có như vậy mới nâng cao được năng suất và sức cạnh tranh và giá trị của ngành hàng.