Thứ sáu 03/01/2025 01:20

Ngành thép “le lói” tín hiệu tích cực từ đáy sâu ảm đạm

Ngành thép đã “le lói” xuất hiện tích cực từ đáy sâu ảm đạm, sau 18 phiên giảm liên tiếp, giá thép về thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Giá thép giảm thấp nhất trong vòng 3 năm qua

Ngày 23/8, một số doanh nghiệp sản xuất thép giảm 100.000 – 810.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, xuống còn 13,5-15 triệu đồng/tấn.

Đây là đợt giảm giá thứ 18 liên tiếp kể từ đầu năm 2023. Trước đó, cứ trung bình 5 đến 7 ngày, thép trong nước lại có một phiên điều chỉnh giá. Sở dĩ giá thép trong nước liên tục điều chỉnh vì tiêu thụ kém do thị trường bất động sản ảm đạm và phải cạnh tranh gay gắt với thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong đợt điều chỉnh này, thương hiệu thép Vina Kyoei có mức giảm mạnh nhất. Ở khu vực miền Nam, Vina Kyoei đồng loạt giảm 810.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép D10 CB300, xuống lần lượt 14,82 triệu đồng/tấn và 15 triệu đồng/tấn.

Thép Hòa Phát hạ 410.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300 tại miền Bắc.

Thép Việt Ý là đơn vị hạ giá thấp nhất: Giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 còn 13,69 triệu đồng/tấn; thép CB240 giữ nguyên ở mức 13,64 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Đức cũng giảm 100.000 đồng/tấn tại miền Bắc và miền Trung với dòng D10 CB300. Thép Việt Sing giảm 200.000 đồng/tấn với cả hai dòng thép. Thép Tung Ho tại miền Nam hạ lần lượt 200.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn với thép CB 240 và D10 CB300.

Trước việc thép nội liên tiếp hạ giá trong thời gian gần đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định giá thép xây dựng vẫn có khả năng hạ giá tiếp tục trong thời gian tới. Nguyên nhân được cho là thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội cũng chỉ mới được triển khai. Các dự án đầu tư công chưa khởi sắc. Bên cạnh đó, tháng 7 âm lịch cũng là tháng “cô hồn” - được đánh giá là “ác mộng” đối với ngành xây dựng khi hầu như không có dự án mới nào động thổ trong tháng này. Điều này kéo theo tiêu thụ thép cũng giảm mạnh.

“Le lói” tín hiệu tích cực từ Hòa Phát

Trong bối cảnh giá thép trong nước liên tục hạ nhiệt, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect vẫn lạc quan khi cho rằng triển vọng ngành thép trong những tháng cuối năm nay sẽ khả quan hơn. Lý do được VNDirect đưa ra là kỳ vọng nguồn cung bất động sản sẽ hồi phục trong những quý tới và sôi động trở lại kể từ nửa cuối năm 2024, qua đó thúc đẩy nhu cầu thép.

Ngành thép trong nước vẫn đang kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản trong thời gian tới

Bên cạnh đó, một tín hiệu khả quan nữa đến từ “ông lớn” Hòa Phát. Sau khó khăn, Hòa Phát đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ trở lại trong mấy tháng gần đây. Cụ thể, trong quý 2/2023, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 29.800 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 1.448 tỷ đồng. Mặc dù đi xuống so với cùng kỳ năm 2022, song lợi nhuận trong quý 2 năm nay của HPG vẫn gấp 3,7 lần so với kết quả quý liền trước.

Tính chung 6 tháng năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 1.830 tỷ đồng, giảm 85%.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, VNDirect cho rằng triển vọng kinh doanh của Hòa Phát trong những tháng cuối năm nay sẽ khả quan hơn với nhiều điểm sáng đang dần xuất hiện.

Ngoài ra, xuất khẩu cũng là một trong những động lực hồi phục cho sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát. Theo VNDirect, châu Âu và ASEAN tiếp tục là các thị trường xuất khẩu chính của Hòa Phát. Cũng theo nhận định của VNDirect, sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023, từ đó giảm áp lực cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu thép Việt Nam.

Kỳ vọng vào sự ấm lên của thị trường bất động sản

Niềm tin lớn nhất của ngành thép đang đặt vào sự hồi phục của thị trường bất động sản trong thời gian tới. Hiện tại, Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn của thị trường bất động sản nhà ở nội địa trong thời gian gần qua.

Cụ thể, Nghị định số 08 và Nghị quyết 33 cho phép các nhà đầu tư bất động sản có thể gia hạn các khoản nợ trái phiếu và ngân hàng làm giảm áp lực dòng tiền cho nhà đầu tư, tạo điều kiện các doanh nghiệp có thể triển khai các dự án trong tương lai.

TP.Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho 50 dự án bất động sản trong năm 2023. Nếu được tháo gỡ, TP Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 4.000-5.000 căn hộ được mở bán, giảm bớt áp lực thiếu hụt nguồn cung. Nhiều tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận… cũng đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.

Việc thị trường bất động sản có thể hồi phục sẽ dẫn tới thúc đẩy thị trường thép “ấm” trở lại.

Trợ lực thêm từ giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh

Bên cạnh kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường bất động sản trong thời gian tới, ngành thép cũng được trợ lực thêm từ giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh.

Đầu tiên phải kể tới là giá quặng sắt. Hiện giá quặng sắt đã giảm nhẹ trong quý 2/2023 do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và tốc độ tăng sản lượng sản xuất thép tại Trung Quốc hạ nhiệt. Trong tháng 8, giá quặng sắt giao ngay đã giảm xuống quanh mức 105-110 USD/tấn, trong khi trước đó giá mặt hàng này ở mức 120 USD/tấn vào tháng 3 năm nay.

Nguyên liệu thứ hai là than cốc cũng đã giảm từ đầu năm 2023 đến nay do nguồn cung tại Australia tăng lên cũng như hoạt động sản xuất thép toàn cầu chậm lại và kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc sau đại dịch đã không diễn ra.

Các công ty dự báo uy tín hàng đầu thế giới cũng nhận định giá quặng sắt và than cốc sẽ tiếp tục “hạ nhiệt” trong thời gian tới, giảm gánh nặng và giúp cải thiện lợi nhuận cho ngành thép, trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Nguyễn Duyên
Bài viết cùng chủ đề: Giá thép hôm nay