Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa mạng lưới ngân hàng đã bao phủ với 38 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) và 4 quỹ tín dụng nhân dân, gồm 184 điểm giao dịch ngân hàng và 349 máy ATM. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội có điểm giao dịch tới tận các xã, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch ngân hàng của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, toàn tỉnh Khánh Hòa có 49 tổ chức kinh tế làm đại lý đổi ngoại tệ với 75 địa điểm, đáp ứng nhu cầu đổi tiền của du khách (Sân bay quốc tế Cam Ranh có 21 địa điểm, cơ sở lưu trú có 52 địa điểm và 2 địa điểm tại trung tâm thương mại); có 15 đại lý chi trả ngoại tệ (kiều hối) hoạt động ổn định.
Một trong những nhà hàng luôn đông khách trước đây ở thành phố du lịch biển Nha Trang đã hơn 9 tháng đóng cửa |
Tính đến cuối tháng 11/2020, toàn tỉnh Khánh Hòa có 9.186 khách hàng vay (có 1.021 là doanh nghiệp), với tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 32.571 tỷ đồng, chiếm 34,56% tổng dư nợ toàn tỉnh. Trong đó, dư nợ ngành du lịch bị ảnh hưởng chiếm cao nhất 8.779 tỷ đồng (gần 27%); dư nợ ngành vận tải bị ảnh hưởng 6.858 tỷ đồng (trên 21%); ngành tiêu dùng kinh doanh thương mại bị ảnh hưởng dư nợ 4.008 tỷ đồng (trên 12%); dư nợ ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng 4.543 tỷ đồng (gần 14%); dư nợ ngành xây dựng bị ảnh hưởng 3.611 tỷ đồng (trên 11%); còn lại xấp xỉ 8% dư nợ bị ảnh hưởng ở các ngành khác như bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, y tế, giáo dục,…
Nhà hàng hải sản sống động ngay trung tâm đường Trần Phú, sảnh khách sạn The Light Nha Trang nay trở nên hoang tàn vì đại dịch Covid-19 |
Một trong những giải pháp hỗ trợ khách hàng vay đầu tiên, NHNN chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn thực hiện là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Tính đến hết tháng 10/2020, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 2.103 khách hàng, dư nợ 7.754,4 tỷ đồng đã được điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ. Trong đó, có 311 doanh nghiệp, dư nợ 6.479,09 tỷ đồng. Các chi nhánh TCTD đã thực hiện miễn giảm lãi cho 139 khách hàng, với dự nợ 529,07 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn giảm 3,3 tỷ đồng. Riêng chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 935 khách hàng cá nhân, với dư nợ 16,4 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp cùng ngân hàng Vietcombank chi nhánh Khánh Hòa trao tặng quà hỗ trợ đồng bào khó khăn ở thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa |
Giải pháp thứ hai để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do dịch bệnh được chi nhánh NHNN tỉnh Khánh Hòa khuyến khích thực hiện là cho vay mới. Các TCTD đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh. Trong vòng 9 tháng qua, các chi nhánh TCTD trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện vay mới 9.711 khách hàng với số tiền 34.522 tỷ đồng.
Với giải pháp giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, các chi nhánh TCTD đã thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí hoạt động của đơn vị mình, nhằm chủ động giảm lãi suất cho vay với các khoản vay cũ. Đến nay, các chi nhánh TCTD thực hiện giải pháp này cho 11.932 lượt khách hàng, với dư nợ 21.680 tỷ đồng, số tiền lãi được giảm là 85,03 tỷ đồng. Đồng thời với nhiều giải pháp tình huống hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn nêu trên, các chi nhánh TCTD còn áp dụng nhiều chính sách miễn giảm khác như giảm các loại phí nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế sự lây lan của virus Corona,…
Nhiều ngân hàng Vietinbank, BIDV, Agribank chi nhánh Khánh Hòa,… liên tục giảm lãi suất tiền gửi để giảm chi phí vốn đầu vào, đồng thời tạo ra nguồn vốn rẻ và tạo ra dư địa giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, chia sẻ cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm. Cụ thể như ngân hàng Vietcombank chi nhánh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, đã thực hiện 12 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi với tổng mức giảm từ 1% đến 1,5%/năm cho tất cả các kỳ hạn.
Ông Đỗ Trọng Thảo- Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho biết: Tuy năm nay gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, đặc biệt thành phố du lịch Nha Trang càng ảnh hưởng nặng nề hơn, nhưng trong những tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã có những dấu hiệu khả quan. Ngành ngân hàng chúng tôi cũng là một doanh nghiệp, không được nhận nguồn ủng hộ nào từ Chính phủ, không được giảm lãi suất vay trên vốn huy động cũ, nhưng chúng tôi đã rất nổ lực với nhiều giải pháp tích cực, phù hợp như giảm lãi suất cho vay, kích thích nhu cầu tín dụng với nhiều gói vay ưu đãi cho đầu tư, mở rộng kinh doanh hay vay tiêu dùng, xây sửa nhà ở,… Đặc biệt, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, chúng tôi đã rất chú trọng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có gói cho vay không lãi suất để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động; ngoài ra, ngành ngân hàng tỉnh Khánh Hòa cũng đã chung tay đóng góp 6,8 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, mua sắm thiết bị phòng chống dịch, hỗ trợ gạo cho các ATM gạo, xây nhà tình nghĩa cho người nghèo,…
Đến nay, đã có 2 doanh nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa được tiếp nhận nguồn vốn vay không lãi suất, thời hạn 1 năm để trả lương cho người lao động. Ông Phạm Minh Nhựt- Tổng giám đốc Công ty CP Hòn tằm Biển Nha Trang chia sẻ: Hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 thật không lường, nó đã làm cho chúng tôi và vô số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ du lịch của Việt Nam và thế giới điêu đứng. Lúc dịch bệnh vừa phát, với trên 600 CBCNV và người lao động, chúng tôi lại không đón khách, phải đóng cửa, đến thời điểm này thì hoạt động cầm chừng… Chúng tôi đành phải cắt giảm gần 1/3 lượng nhân viên, nhưng thực trạng vẫn rất khó khăn… Rất may, ngành Ngân hàng cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho chúng tôi đỡ ngặt trong giai đoạn này.
Với hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tại Khánh Hòa, đầu tư bởi vốn vay ngân hàng hay nguồn vốn huy động từ gia đình, đều đang trong tình trạng SOS… Dẫu biết, ngành ngân hàng đã rất nỗ lực với nhiều chính sách ưu đãi, nhiều giải pháp hỗ trợ, nhưng trong tình hình hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp duy trì tồn tại đã là khó, bởi mọi giải pháp khắc phục gần như đều lệ thuộc vào diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19.