Ngành Công Thương: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó
Năm 2023, ngành Công Thương các địa phương sẽ xây dựng và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác thị trường trong nước, đóng góp tích cực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng…
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Khai thác hiệu quả các FTA
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức về quá trình phục hồi sản xuất nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn đã ổn định, các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất chuyển biến tích cực, đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.
Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của thành phố trong năm 2023, Sở Công Thương sẽ tăng cường cung cấp thông tin các thị trường xuất nhập khẩu, đẩy mạnh xây dựng mạng lưới và thúc đẩy hợp tác, giao thương của doanh nghiệp; phổ biến, tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ, các quy định về phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật tại thị trường xuất khẩu để nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó trước các biến đổi trên thế giới, tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết; ứng dụng phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Ngoài ra, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố tiếp tục triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu…
Ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau: Sẵn sàng cho mục tiêu mới
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 1,3 tỷ USD, trong đó, thủy sản (chủ yếu là tôm) đạt hơn 1 tỷ USD, bằng 101% kế hoạch, tăng 5% so với năm trước; phân bón ước đạt 215 triệu USD, bằng 275% kế hoạch, tăng 145% so với năm 2022.
Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu tăng cao là do các doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu ngay sau khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19 và tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Cụ thể: Thị trường EU tăng gần 41%, Australia tăng 85%, Canada tăng gần 23%, Hàn Quốc tăng 14%, Nhật tăng hơn 13%.
Năm 2023, nhiều dự báo cho thấy tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn, trong bối cảnh đó, ngành Công Thương Cà Mau đã ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết, hỗ trợ cùng phát triển, hình thành chuỗi giá trị; đẩy mạnh hỗ trợ thương mại điện tử phát triển, trong đó ưu tiên cho thương mại điện tử xuyên biên giới để phục vụ xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thực thi hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nhất là Hiệp định CPTPP, EVFTA…
Ông Đặng Văn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang: Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản
Những năm tới, xuất khẩu vẫn tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh Tiền Giang, trong đó, nông sản là hàng hóa chủ lực. Do vậy, Tiền Giang đang hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đặc biệt, việc mở rộng thị trường xuất khẩu chú trọng cả thị trường xuất khẩu nông sản tươi và nông sản qua chế biến, phù hợp với yêu cầu của từng thị trường và gia tăng giá trị của hàng hóa xuất khẩu.
Nhằm đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững, Tiền Giang tiếp tục đổi mới xúc tiến đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ doanh nghiệp cả trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp; thu hút đầu tư bằng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp; huy động tối đa các nguồn lực, kết nối các vùng nguyên liệu...
Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu: Tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của địa phương trong năm 2022 cơ bản ổn định. Các chương trình kết nối cung cầu, khuyến mãi kích cầu tiêu dùng được đẩy mạnh. Nhiều doanh nghiệp dần thích ứng với tình hình mới bằng cách giảm một số chi phí không cần thiết hoặc thay đổi phương thức sản xuất nhằm hoạt động hiệu quả, chủ động đơn hàng. Hệ thống cảng biển trên địa bàn có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trung tâm dịch vụ logistics, đặc biệt là cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có tiềm năng phát triển kinh tế cao.
Tuy nhiên, trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng, nguồn cung nguyên liệu khan hiếm và giá cả tăng. Để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nước ngoài, hiện Sở Công Thương đang tích cực chỉ đạo các phòng, ban chức năng cập nhật thường xuyên danh sách nhà phân phối, sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép... Đây cũng là giải pháp tận dụng nguồn nguyên liệu trong tỉnh, trong nước để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Tập trung kích cầu tiêu dùng
Nhằm kích cầu tiêu dùng, phục hồi lại nền kinh tế sau đại dịch, từ đầu năm 2022, Sở Công Thương Hà Nội đã thực hiện hàng loạt kế hoạch, giải pháp như: Kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng; tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; triển khai Chương trình khuyến mại tập trung TP. Hà Nội...
Có thể nói, chuỗi kích cầu tiêu dùng lớn nhất và thành công nhất của năm 2022 đó là hàng loạt sự kiện khuyến mại tập trung. Các sự kiện có quy mô lớn, trọng tâm vào các tháng 5, 7, 11/2022 với mức giảm giá, khuyến mại lên tới 100% tại hơn 2.000 điểm bán hàng khuyến mại với mọi thành phần kinh tế tham gia, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức hoạt động kích cầu, tiêu thụ sản phẩm; giảm lượng hàng tồn kho và phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế Thủ đô...
Đặc biệt, chuỗi sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale" được tổ chức ngày 24/11/2022 tại siêu thị Big C Thăng Long đã thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, các chuỗi, cơ sở sản xuất… tham gia hưởng ứng. Sự kiện đã quy tụ những tên tuổi lớn cùng vào cuộc tham gia như Central Retail, AeonMall, BRGMart, Co.opMart, WinMart, MediaMart, Pico, Tập đoàn Doji, Vinaphone,… với hơn 3.000 chương trình khuyến mại, tổng giá trị gần 25.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.
Nhiều hoạt động kết nối cung - cầu được ngành Công Thương các địa phương tổ chức hiệu quả |
Ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở CÔng Thương Bắc Kạn: Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Năm 2022, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh với tinh thần "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển", hoạt động của ngành Công Thương Bắc Kạn đã đạt được những kết quả tích cực.
Hoạt động công nghiệp nhìn chung ổn định, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh đã đẩy nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, bắt đầu phục hồi và đạt kết quả khá. Thống kê hết 10 tháng năm 2022, ước đạt 1.247.718 triệu đồng, đạt 77% kế hoạch, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tình hình thị trường tiếp tục ổn định và phát triển, hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn tỉnh Bắc Kạn ước đạt 107,31% kế hoạch năm 2022 giao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2022 tăng 4,91% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 128,94% kế hoạch cả năm.
Có được kết quả trên, Sở Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất tiêu dùng và xuất khẩu. Đặc biệt, trong công tác xúc tiến thương mại, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 57/KH-SCT ngày 15/6/2022 thực hiện Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại" trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại cho cán bộ quản lý nhà nước và các thương nhân sản xuất, kinh doanh. Sở Công Thương cũng đã phối hợp, tham mưu tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu quảng bá, kết nối thị trường cho nhiều loại sản phẩm của địa phương.
Năm 2023, Sở sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn, Bộ Công Thương để triển khai các nhiệm vụ phát triển công nghiệp, thương mại theo đúng lộ trình kế hoạch. Tiếp tục tuyên truyền đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể OCOP để dần thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của xúc tiến thương mại, về trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, chế biến cũng như chấp hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân về các Hiệp định thương mại tự do. Tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại; kết nối thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của địa phương…
Bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng: Ưu tiên thị trường trọng điểm
Năm 2022, với nỗ lực khắc phục khó khăn của doanh nghiệp thành phố cùng với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, ban, ngành, hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa TP. Đà Nẵng ước đạt hơn 3,5 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,08 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2021. Sở Công Thương đã triển khai tổ chức hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu, hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại.
Trên cơ sở chủ đề năm 2023 của TP. Đà Nẵng là "Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội", thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 6 - 7%; kim ngạch nhập khẩu dự kiến tăng 3 - 4% so với năm 2022.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, trong năm 2023, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tập trung tham mưu xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Đối với hoạt động xuất khẩu, Sở tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ; phối hợp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu mở rộng thị trường; trong đó, chú trọng một số thị trường trọng điểm mà Việt Nam đã có FTA nhằm khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã có hiệu lực.
Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định: Cung ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất
Năm 2023, tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung công tác quản lý ngành, chủ động triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, đối với hoạt động ngoại thương, Sở Công Thương sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Điều hành tốt việc cung ứng đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất, đảm bảo cho sản xuất phát triển ổn định, nhất là sản xuất chế biến hàng xuất khẩu; tiếp tục thông tin tuyên truyền, phổ biến Hiệp định FTA cho doanh nghiệp. Tập trung triển khai thực hiện các biện pháp để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối phát triển hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa với các tỉnh lân cận.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng; lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, liên doanh trong nước; đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Cùng với đó, tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu..
Ông Nguyễn Đình Đại - Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn: Chủ động giải quyết khó khăn
Trong năm 2022, Sở Công Thương tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Cục Hải quan và các cơ quan, đơn vị liên quan để nắm bắt, tổng hợp tình hình xuất nhập khẩu (XNK) tại các cửa khẩu trên địa bàn; những thay đổi về chính sách quản lý thương mại biên giới, kiểm soát dịch bệnh của phía Trung Quốc và kịp thời thông tin cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố.
Đồng thời, báo cáo Bộ Công Thương và các bộ, ngành, UBND tỉnh và tham mưu, đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn, ùn ứ phương tiện và hàng hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt cho doanh nghiệp XNK qua địa bàn tỉnh. Cùng với đó, thường xuyên cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc tới các doanh nghiệp XNK qua địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin về các yêu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu, định hướng phát triển logistics, xu hướng bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại… cho các doanh nghiệp.
Công tác đối ngoại tiếp tục được quan tâm thực hiện, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) ngày càng được tăng cường, củng cố, tạo thuận lợi cho việc đàm phán, thống nhất các biện pháp tiện lợi hoạt động thông quan, đảm bảo công tác phòng, chống dịch; góp phần dần khôi phục và ổn định tình hình hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn. Tổng kim ngạch XNK qua địa bàn năm 2022 ước đạt 3.100 triệu USD, bằng 72,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu 940 triệu USD, bằng 68,6%; nhập khẩu 2.160 triệu USD, bằng 74,5%. Xuất khẩu hàng hóa địa phương năm 2022 ước đạt 142 triệu USD, tăng 9,23%.