Ngành Công Thương: Đồng bộ giải pháp bảo đảm an toàn lao động, phòng ngừa tai nạn lao động
Với việc thực hiện tốt hoạt động kiểm định an toàn công nghiệp; tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn, an toàn lao động - vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động; đảm bảo công tác quản lý nhà nước về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường... năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động trong ngành Công Thương đã đạt được những kết quả tích cực.
Đảm bảo công tác kiểm định
Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra do thiết bị sản xuất không đảm bảo quy trình, kỹ thuật. Do vậy, các Trung tâm kiểm định công nghiệp I và II thuộc Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) luôn chú trọng tới vấn đề này.
Kiểm định hệ thống đường ống dẫn khí |
Theo đó, thiết bị do các trung tâm thuộc Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp kiểm định luôn đảm bảo đúng quy trình, áp dụng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Các dịch vụ đã thực hiện chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu an toàn trong sản xuất công nghiệp và đảm bảo an toàn, phòng ngừa tai nạn lao động, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng do thiết bị gây ra.
Báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho thấy, tổng số thiết bị, hệ thống đã kiểm định trong năm 2020 là 822.414; trong đó Trung tâm kiểm định công nghiệp 1 kiểm định khoảng 307.655 thiết bị, Trung tâm kiểm định công nghiệp II kiểm định khoảng 514.749 thiết bị, hệ thống; thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa đối với 742 đơn vị.
Song song với kiểm định thiết bị lao động, các trung tâm còn tăng cường tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn, an toàn lao động - vệ sinh lao động cho học viên. Riêng năm 2020, có hơn 32.788 học viên được huấn luyện kỹ thuật an toàn, an toàn lao động - vệ sinh lao động. Trong đó, Trung tâm kiểm định công nghiệp 1 huấn luyện cho 14.950 học viên; Trung tâm kiểm định công nghiệp II huấn luyện cho 16.038 học viên; Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn huấn luyện cho 1.800 học viên.
Nhờ việc kiểm định được thực hiện đảm bảo đúng quy định, nên trong năm qua không để xảy ra sự cố, tai nạn lao động do thiết bị của các trung tâm kiểm định gây ra. Các dịch vụ tư vấn an toàn, môi trường đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ của doanh nghiệp và được doanh nghiệp tin tưởng, đánh giá cao.
Tăng cường biện pháp quản lý nhà nước
Về công tác an toàn đập, hồ chứa thủy điện: Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh có công trình thủy điện phối hợp phân cấp đập, hồ chứa thủy điện theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP và đôn đốc Sở Công Thương các tỉnh có công trình thủy điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, rà soát toàn bộ đường ống áp lực các nhà máy thủy điện; rà soát, chuẩn xác thông tin dữ liệu quản lý các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh; cung cấp dữ liệu quản lý các công trình thủy điện trên địa bàn; triển khai thực hiện chấn chỉnh công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; thực hiện các giải pháp cấp bách đảm bảo sử dụng điện an toàn trong nhân dân; thực hiện báo cáo tai nạn điện theo quy định tại Thông tư số 31/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương; thực hiện việc rà soát, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện sau trận động đất trên địa bàn.
Đối với công tác an toàn khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp: Bộ cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức rà soát và báo cáo việc thực hiện quy trình, quy định vận hành tàu, đảm bảo lối đi lại an toàn trong lò; các biện pháp tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong khai thác than; trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; hướng dẫn các Sở Công Thương và doanh nghiệp thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, dịch vụ nổ mìn; kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp tại 80 tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; thẩm định, cấp, cấp lại, thu hồi 83 giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.
Về công tác quản lý hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn: Năm qua, đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho 4 tổ chức kiểm định; cấp 3 Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG; cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định thiết bị, dụng cụ điện cho 24 đơn vị; thẩm định, chấp thuận Chương trình quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro cho 42 bộ tài liệu quản lý an toàn.
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song năm 2022 tình hình trong nước được dự báo tiếp tục đối mặt với ô nhiễm môi trường ở một số khu vực có diễn biến xấu, ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Những vấn đề về an toàn lao động và bảo vệ môi trường ngày càng được cộng đồng quan tâm... Để đảm bảo các mục tiêu phát triển chung của ngành Công Thương trong năm 2022 đã đặt ra theo hướng phát triển bền vững, lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, sẽ tăng cường thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn điện, quản lý an toàn đập, hồ chứa công trình thủy điện, an toàn trong khai thác, chế biến khai thác khoáng sản và vật liệu nổ công nghiệp tại 6 đơn vị; kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường tại 46 đơn vị; kiểm tra đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước năm 2022 thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương tại 35 công trình; giám sát về thực hiện Đề án xử lý và tiêu thụ ro, xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón tại các nhà máy.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn công nghiệp và tăng cường các biện pháp quản lý an toàn công nghiệp, vật liệu nổ công nghiệp; tăng cường biện pháp quản lý nhà nước về an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo quy định pháp luật; an toàn khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp; an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng khí hóa lỏng; quản lý, đánh giá rủi ro...