Ngăn chặn tăng giá "té nước theo mưa"
CPI tăng cao nhất trong 9 năm
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 11 tổ chức mới đây, bà Tạ Thị Thu Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - thông tin, CPI tháng 11 tăng 3,78% so với tháng 12 năm trước, tăng 3,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Bình quân 11 tháng, CPI tăng 2,57%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Giá thịt lợn tăng khiến CPI tháng 11 tăng cao |
Nguyên nhân chính làm tăng CPI tháng 11 là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung giảm và giá thịt lợn tháng 11 tăng 18,51% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,78%. Bên cạnh đó, trong tháng 11, giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn và giá các mặt hàng thay thế cũng tăng như giá thịt quay, giò chả, thịt hộp, thịt bò, thịt gà, tôm… Giá gas được điều chỉnh tăng 3.500 đồng/bình 12 kg do ảnh hưởng giá gas thế giới cũng khiến CPI tăng cao so với tháng trước.
Ông Đặng Công Khôi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) - chia sẻ thêm, trong những tháng vừa qua, nhiều mặt hàng do nhà nước kiểm soát giá được điều hành bám sát vào các kịch bản đã đưa ra trước đó. Đơn cử, cách đây mấy tháng, Bộ Tài chính đã tính đến chuyện điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhưng tạm thời dừng lại vì xảy ra chuyện tăng giá thịt lợn. Đặc biệt, những mặt hàng có biến số lớn như xăng dầu đã được chủ động điều hành, linh hoạt sử dụng quỹ bình ổn để không làm ảnh hưởng lớn đến CPI nói chung.
Sẵn sàng nguồn cung
Dự báo trong tháng 12, một số yếu tố sẽ tác động đến CPI là giá lương thực, thực phẩm tiếp tục có xu hướng tăng. Cụ thể, giá gạo tăng nhẹ do các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua phục vụ các đơn hàng xuất khẩu cũng như nhu cầu tiêu dùng tết; giá thịt lợn dự báo tăng từ 10 - 15%, tác động làm tăng CPI từ 0,7 - 0,9%; giá nhiên liệu tăng nên giá xăng dầu, gas cũng có xu hướng tăng; nhu cầu sử dụng điện tăng cũng làm giá điện tăng nhẹ…
Dự kiến, CPI bình quân 2019 sẽ tăng từ 2,7 - 2,9% so với cùng kỳ năm trước, tức là việc kiểm soát CPI bình quân năm ở mức 4% như mục tiêu Quốc hội giao là có thể đạt được. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải kiểm soát giá các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm đang có dấu hiệu "té nước theo mưa", sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân những tháng cuối năm - bà Tạ Thị Thu Việt - nhận định.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương chuẩn bị nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn là thịt gà, thịt bò, thủy sản… song hiện nay, dù nguồn cung các mặt hàng này khá dồi dào nhưng vẫn bị đẩy giá lên cao do tâm lý.
Do đó, trong các cuộc họp với các địa phương về chuẩn bị nguồn hàng cuối năm thời gian qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương phải có dự trữ nguồn hàng để đảm bảo ổn định cung - cầu. Đồng thời, có kế hoạch, kịch bản ổn định giá cả hàng hóa.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng có đến 9 nhóm tăng giá, cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, khiến CPI tháng 11 tăng cao. |