Nền kinh tế Venezuela đã rơi vào tận cùng khủng hoảng
Khủng hoảng kinh tế và xã hội đang ở mức báo động đỏ. Ảnh Internet |
Người dân phải cân tiền khi đi mua sắm
Đây là mô tả chân thật nhất về tình cảnh của cả nền kinh tế từng là cường quốc giàu nhất khu vực Mỹ Latin và được mệnh danh là "thiên đường dầu mỏ”. Đồng bolivar của Venezuela ngày càng mất giá trầm trọng. Chỉ trong vài ngày gần đây, đồng bolivar đã mất giá gần 18%, khiến cuộc sống của người dân càng khó khăn.
Tính đến ngày 29/7, 1 USD đã đổi được tới hơn 10.000 bolivar trong khi tỷ giá này hôm thứ hai mới là 8.820 bolivar. Đầu năm nay, 1 USD tương đương hơn 3.160 bolivar. Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân chỉ cho phép người dân rút 30.000 bolivar (2,88 USD) một lần tại các ATM. Hạn mức này tại các ngân hàng quốc doanh là 10.000 bolivar (0,96 USD).
Chuyện thật như đùa, người dân Venezuela phải cân tiền khi đi mua sắm. Ảnh Internet |
Lạm phát phi mã đẩy người dân vào tình cảnh phải cân tiền khi đi mua sắm. Việc mua những mặt hàng thiết yếu nhất như bánh mỳ hay pho mát cũng cần hàng trăm tờ tiền. Người mua phải để tiền trong túi du lịch lớn trước khi ra đường. Còn người bán phải để tiền trong hộp, vì ngăn kéo không đủ chỗ chứa.
Chủ một kiosk bán báo, thuốc lá và đồ ăn vặt tại một trong những khu dân cư sầm uất nhất Caracas cho biết mỗi tối, ông lại phải lặng lẽ nhồi tiền hàng trong ngày vào hàng đống túi nilon. Số tiền này tương đương 100.000 bolivar với đủ các mệnh giá 10, 20, 50 và 100 bolivar.
Chất lượng cuộc sống ở mức rất thấp
Tình trạng thiếu lương thực tại Venezuela đã trở nên rất trầm trọng trong năm nay. Người dân Venezuela đã phải trải qua nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng, không có các vật phẩm thiết yếu như sữa, trứng, bột, xà phòng và giấy vệ sinh.
Người dân Venezuela thường xuyên rơi vào cảnh thiếu thốn lương thực. Ảnh Internet |
Theo nghiên cứu công bố đầu năm nay, từ năm 2014, số gia đình Venezuela sống trong cảnh nghèo đói đã tăng vọt từ 48% lên 82%. Anh Romer Sarabia - một nhân viên bảo vệ tại phòng khám của Chính phủ cho biết: “Trước đây, chúng tôi sống tốt hơn nhiều. Ngày nhận lương, tôi còn thường đưa cả gia đình đi ăn ngoài”.
Giờ đây, cứ hai tuần một lần, Sarabia lại đến một chợ cóc gần đó, mua gần một kg đường, nửa cân sữa bột và 4kg gạo tấm có mùi như thức ăn cho chim. Anh sẽ nấu nó với xương và thịt vụn.
Ngoài ra, vợ chồng anh còn trồng mọi loại thực phẩm có thể trên cánh đồng sau vườn, chủ yếu là xoài hay chuối. “Chuyện gì sẽ xảy ra với chúng tôi nếu tiếp tục sống thế này một năm nữa”, anh than thở.
Đất nước Mỹ Latin này cũng đang phải vật lộn với cảnh thiếu thuốc uống. Người dân Venezuela đang săn lùng penicillin và nhiều loại thuốc khác tại các hiệu thuốc nhưng đều ra về tay không. Trong khi đó, các bệnh viện công dần dần bị sụp đổ, qua đó khiến nhiều người, ngay cả trẻ sơ sinh, phải tử vong do sự khan hiếm các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản.
Biểu tình chống chính phủ diễn ra liên miên, phe đối lập gọi Tổng thống Maduro là "Độc tài". Ảnh Internet |
Nghiêm trọng hơn, những cuộc biểu tình quy mô lớn chống chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro diễn ra liên miên, kéo theo là cướp bóc và bạo động ở thủ đô Caracas. Từ cuối tháng 4, phe đối lập chính quyền Venezuela đã cáo buộc Tổng thống Nicolas Maduro là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị tại đây. Từ nửa đầu tháng 5, những cuộc biểu tình chống tổng thống đã tăng cao trên khắp đất nước, đẩy mạnh sự bất ổn xã hội tại Venezuela.
Nguyên nhân do đâu?
Năm 2014, giá dầu thế giới bắt đầu lao dốc. Mặc dù được mệnh danh là quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng, Venezuela lại chỉ có dầu mỏ là nguồn thu duy nhất. Kim ngạch xuất khẩu từ dầu chiếm hơn 95% doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của Venezuela. Nếu quốc gia này không bán dầu thì cũng chẳng có tiền để xài.
Ở thời điểm hưng thịnh, chính quyền Venezuela không đầu tư cho những ngành chủ chốt mà lại lãng phí cơ hội để đầu tư vào lĩnh vực dầu trong những lúc thị trường nhiên liệu đang hoạt động tốt. Một phần khác là do quốc gia Mỹ Latin này đã lơ là việc bảo trì máy móc thiết bị cho hoạt động sản xuất dầu, qua đó khiến sản lượng dầu lao xuống đáy của 13 năm.
Đât nước Venezuela sống hoàn toàn dựa vào khai thác dầu mỏ. Ảnh Internet |
Thêm vào đó, tiền mặt của Venezuela hết nhanh chóng đến nỗi quốc gia này không có đủ tiền để trả cho những hóa đơn đã quá hạn từ lâu. Cụ thể, Venezuela nợ 15 tỷ USD có kỳ hạn đến hết năm 2017, trong khi Ngân hàng Trung ương của quốc gia này chỉ còn 11.8 tỷ USD dự trữ.
Cùng lúc đó, nguồn thu tiền mặt còn lại và cũng là duy nhất của Venezuela, Công ty dầu nhà nước (PDVSA) thì lại bơm ít dầu hơn và đang phải đối mặt với rủi ro vỡ nợ.