Nâng cao vai trò của doanh nghiệp tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật
Để kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã được Nhà nước chú trọng hoàn thiện, được cộng đồng DN trong nước và quốc tế ghi nhận. Đặc biệt, người dân và DN, với vai trò là những chủ thể chịu sự điều chỉnh của các qui định pháp luật có liên quan, đã được tham gia vào quá trình đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện pháp luật và được coi trọng, lắng nghe, tiếp thu. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đã ghi nhận vai trò, trách nhiệm của VCCI trong việc thúc đẩy cộng đồng DN tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Báo cáo của VCCI về tham gia xây dựng pháp luật, cho thấy, trong 5 năm vừa qua (2016-2020), mỗi năm, VCCI tiếp nhận hàng ngàn ý kiến góp ý xây dựng các dự thảo văn bản pháp luật từ cộng đồng DN, trên cơ sở đó đã tổng hợp và gửi tới các cơ quan chức năng (bộ, ngành, Chính phủ và Quốc hội…) hàng trăm kiến nghị đóng góp xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Tuy nhiên, thực tiễn ban hành pháp luật cho thấy, vẫn có nhiều qui định pháp luật liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh thiếu tính thống nhất, chồng chéo, bất cập, chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn, chưa giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc phát sinh, gây cản trở, khó khăn cho hoat động của DN. Hành lang pháp lý có tính chất mở đường cho các mô hình kinh tế, sản phẩm, dịch vụ mới… phát triển thường không theo kịp thực tiễn.
Ảnh minh họa |
Chẳng hạn, trong lĩnh vực bất động sản, đối với các loại hình bất động sản mới như codotel, officetel… đã xuất hiện trên thị trường, nhưng gặp vướng mắc pháp lý, các DN đã kiến nghị, Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ, mặc dù các bộ, ngành đã vào cuộc, nhưng đến nay, theo ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hành lang pháp lý cho các loại hình bất động sản mới nêu trên vẫn chưa có, dẫn đến hoạt động đối với phân khúc thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc pháp luật.
Không chỉ bất động sản, các sản phẩm, dịch vụ mới có tính sáng tạo trong chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng, tài chính…, cũng rất cần có hành lang pháp lý để mở đường cho phát triển. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm với các bên liên quan (gồm cơ quan hoạch định chính sách) đã diễn ra, các doanh nghiệp đã kiến nghị, nhưng hành lang pháp lý vẫn thiếu dẫn đến hạn chế sự phát triển.
Đại diện VCCI, cho biết, trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và hoàn thiện pháp luật, vẫn có nhiều doanh nghiệp không tham gia đóng góp ý kiến, hoặc không có điều kiện để được tham gia đóng góp ý kiến, nên khi pháp luật ban hành, họ đã phản ứng rất quyết liệt. Điều này, do nhận thức và năng lực của DN còn hạn chế, nhưng cũng còn do cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN phát huy vai trò tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện pháp luật còn thiếu.
Hội nhập quốc tế, hệ thống pháp luật đòi hỏi không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý, mà còn phải tương thích, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng cởi mở, thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, qua đó góp phần phát huy cao nhất tiềm năng của người dân, DN, tháo gỡ được những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển.
Để DN đóng góp hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, ông Phạm Tấn Công, cho rằng, cần tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xây dựng pháp luật, công khai đầy đủ các tài liệu có liên quan, gồm cả đánh giá tác động chính sách, các đóng góp ý của cộng đồng DN. Đổi mới cách thức lấy ý kiến DN và người dân thực chất hơn, lấy ý kiến góp ý dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai (hiện mới lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội lần đầu). Quốc hội nên giao cho VCCI phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai một chương trình hỗ trợ nâng cao nhận thức, năng lực, tính chủ động, chất lượng đóng góp ý kiến cho các hiệp hội và DN trong quá trình tham gia xây dựng và hoàn thiện các dự án luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng pháp luật, bên cạnh cổng thông tin của các bộ, ngành, cần có cổng thông tin quốc gia chuyên đăng tải các dự thảo văn bản pháp luật và thu thập ý kiến góp ý của DN và người dân qua cổng thông tin này.
Quốc hội nên khuyến khích các tổ chức, hiệp hội đại diện cho DN như VCCI chủ động có các sáng kiến xây dựng pháp luật, khuyến khích quyền trình sáng kiến xây dựng pháp luật trước Quốc hội. Nếu được chấp thuận như vậy, ông Phạm Tấn Công, cho biết, VCCI sẽ triển khai xây dựng và trình Quốc hội các dự án như Luật Trọng tài thương mại, Luật Hộ kinh doanh...