Tôi vẫn còn nhớ như in những năm đầu của những năm 90, khi ấy tầm tuổi 7-8 lũ trẻ như chúng tôi ngồi ngóng những bao lì xì gần như trọn cả tết. Vào những ngày áp tết theo bà, theo mẹ đi chợ kiểu gì cũng nì nèo mua được con heo đất nung đủ màu sắc xanh đỏ. Mẹ chẳng bao giờ quên nhắc: phải ‘vỗ béo’ nó quanh năm, để cuối năm ‘mổ heo’ có tiền mua quần áo mới, đồ chơi…Khỏi phải nói những tháng ngày dài sau đó là anh em chúng tôi chăm sóc kỹ như thế nào. Dù sao đó cũng là cả một gia tài đáng ngưỡng mộ với một đứa trẻ.
Làng gốm sứ Bát Tràng rộn ràng với những cô cậu học trò tới trải nghiệm làm heo đất |
Đã hàng chục năm qua, truyền thống ‘nuôi heo’ đã trải qua cái tết này đến cái tết khác có đổi thay nhưng tục mừng tuổi năm mới cho trẻ và dạy trẻ cách tiết kiệm vẫn không hề thay đổi. Chỉ khác là trẻ con giờ đời sống vật chất thay đổi từng ngày cũng không ‘ngóng’ những phong bao lì xì đỏ chót như chúng tôi thời đó.
Theo thời gian, những chú heo được thay đổi từ chất liệu đến hình dáng đa dạng hơn; từ gốm sứ đến nhựa rồi cao cấp hơn như thuỷ tinh. Những chú heo ngày nay có thể dùng để trang trí trong nhà vừa là báu vật của trẻ con.
Trên tuyến phố Ngư Hải (Tp Vinh- Nghệ An) bày bán đủ các loại heo đất |
Hiện ở nhiều làng nghề gốm sứ trên cả nước đều nắm bắt xu hướng này để sản xuất các loại heo đất với đa dạng chủng loại màu sắc. Đơn cử như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) là nơi cũng cấp nhiều heo đất nhất cho vùng phía Bắc và miền Trung Bộ. Ghé làng gốm Bát Tràng, theo những người già nơi đây, nghề là Heo đất ở đây có từ lâu, các công đoạn bao gồm làm đất, năm đất, đổ khuôn, nung, sơn, trang trí… đều tỷ mẩn. Muôn màu sắc rực rỡ và những nụ cười hồn nhiên no đủ của những chú heo mang đến cảm giác ấm áp, no đủ cho một năm mới cho tất cả mọi người.
Heo đất đối với nhiều người là cả một thế giới tuổi thơ |
Còn ở Miền Nam, làng Lái Thiêu (Bình Dương) chuyên làm heo đất tồn tại non nửa thể kỷ. Nơi đây không chỉ cung cấp heo đất cho khu vực Miền Nam mà còn xuất khẩu sang một số nước Đông Nam Á. Nghề làm heo đất ở đây có từ những năm 70 trải qua thời gian, làng nghề này vẫn đứng vững không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn lưu giữ được nét đẹp từ quá khứ.
Ở một số nước Châu âu như Hà Lan, Đức... vẫn có phong tục tặng heo đất lấy may đầu năm và mang ý nghĩa đầy đủ sung sức…ở Hà Lan có luôn một bảo tàng về heo đất. Muôn câu chuyện về heo đất sẽ đưa chúng ta về với tuổi thơ ấm áp ngày xưa, nhắc nhở trẻ em về giá trị của đồng tiền và thói quen rất hữu ích ‘nuôi heo năm mới và cuối năm ‘mổ heo’. |