Nam Định chủ trương không thu hút đầu tư dự án ngoài khu, cụm công nghiệp
Theo ông Trần Anh Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, Nam Định là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và phân bố rải rác tại các huyện như: Ý Yên (làng nghề Tống Xá, La Xuyên); Nam Trực (làng nghề Đồng Côi, Vân Chàng)... Các làng nghề đã góp phần bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống, tạo việc làm cho người lao động, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất trong làng nghề phần lớn nằm trong các khu dân cư dẫn đến trong quá trình sản xuất đã gây ảnh hưởng tới môi trường. Để bảo tồn và phát huy được các nghề truyền thống và giải quyết vấn đề ô nhiễm trong khu dân cư, UBND tỉnh Nam Định đang từng bước thực hiện di dời các cơ sở trên vào sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp. Đồng thời, thực hiện chủ trương không thu hút đầu tư sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp trừ những dự án động lực, trọng điểm.
Ông Trần Anh Dũng- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định |
“Để cụ thể hóa chủ trương đó và tạo quỹ đất cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trên địa bàn, UBND tỉnh Nam Định đã bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh gồm 59 cụm, tổng diện tích đến năm 2025 khoảng 1.800 ha”, ông Trần Anh Dũng cho hay.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 26 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích gần 600 ha, trong đó có 20 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích gần 400 ha, thu hút được 550 nhà đầu tư thứ cấp, giải quyết việc làm 22.000 lao động, tỷ lệ lấp đầy trong cụm công nghiệp trung bình đạt khoảng 90% .
Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp giúp tỉnh Nam Định từng bước thực hiện chủ trương "ly nông bất ly hương" của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương, thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động.
Đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tại các làng nghề bảo tồn được các ngành nghề truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Dũng cũng cho hay: Sau hơn một thời gian thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP và Nghị định 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các vấn đề liên quan đến việc: Xử lý chuyển giao các cụm công nghiệp do nhà nước làm chủ đầu tư sang doanh nghiệp làm chủ đầu tư; phân cấp phân quyền trong quản lý cụm công nghiệp; huy động vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp do đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước là chủ đầu tư....
Trước những bất cập trên, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đề nghị: Bộ Công Thương rà soát hệ thống các văn bản pháp luật liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất Đai, Luật Môi trường.... để thống nhất, đồng bộ trong quản lý và phát triển cụm công nghiệp.
Bộ Công Thương nghiên cứu nội dung điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp theo quy định hiện nay (điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp trên địa bàn cấp huyện thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp cho thuê nhỏ hơn 50ha).
Để tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của địa phương thông qua việc tăng tỷ lệ số lượng cụm công nghiệp được thành lập, đề nghị nghiên cứu nâng tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê nhỏ hơn 100 ha.
Quy định rõ cơ chế chuyển giao hạ tầng cụm công nghiệp do đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước là chủ đầu tư, việc huy động vốn để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp cho doanh nghiệp quản lý, thu hút đầu tư.