Nam Định: Chú trọng công tác đào tạo nghề
- Để bảo đảm tính hiệu quả và lâu dài, Sở Công Thương tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các trung tâm dạy nghề, các doanh nghiệp xây dựng đề án, biên soạn giáo án phù hợp với trình độ học vấn và nhu cầu của nhiều đối tượng người lao động; đảm bảo các lao động được đào tạo từ nguồn Quỹ khuyến công của tỉnh đều có việc làm, thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp, hộ gia đình, làng nghề.
Được biết, năm 2010, toàn tỉnh có 66 chương trình, dự án khuyến công được UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí 2 tỷ 566 triệu đồng. Hầu hết các địa phương, doanh nghiệp được Quỹ khuyến công của tỉnh hỗ trợ đã phát huy hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như nghề dệt ở Nam Hồng (Nam Trực), nghề sản xuất tre nứa ghép xuất khẩu ở Yên Tiến (Ý Yên), nghề cơ khí tại Xuân Kiên, Xuân Tiến (Xuân Trường)… Một số xã đã phát triển thêm nhiều nghề mới như móc sợi, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như: Hải Nam, Hải Lộc, Hải Toàn (Hải Hậu), Xuân Phú (Xuân Trường); nghề may công nghiệp tại Xuân Trung, Xuân Ninh (Xuân Trường), Hồng Quang (Nam Trực), Trực Chính, Cổ Lễ (Trực Ninh), Hiển Khánh (Vụ Bản); nghề thêu ren tại các xã Hải Anh (Hải Hậu), Nam Hoa (Nam Trực), Cộng Hòa, Tân Khánh (Vụ Bản)…
Cùng với việc dạy nghề, nguồn kinh phí khuyến công còn hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng lãnh đạo, điều hành trong sản xuất, kinh doanh cho đội ngũ cán bộ quản lý, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Thủy Thanh