Năm 2025: Xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường
Bên cạnh đó, bảo đảm 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 10% đối với đô thị từ loại V trở lên được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường...
Kiểm soát nhóm dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao |
Để đạt được các mục tiêu, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phát động chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động phòng ngừa và kiểm soát nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường; đẩy nhanh tiến độ xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; rà soát, di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi đô thị, khu dân cư tập trung.
Cùng với đó, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030; xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp quốc gia và địa phương; đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường không khí; tăng diện tích cây xanh, công viên trong các đô thị và khu dân cư; hoàn thiện quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối trong thu hồi, tái chế các sản phẩm thải bỏ; phát triển thị trường trao đổi sản phẩm tái chế; nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường, sự cố tràn dầu và hóa chất độc hại… Thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển, vùng ven biển, hải đảo, nhất là các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu du lịch, bãi tắm, khu nuôi trồng thủy sản.
Mặt khác, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên; dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên; tăng cường giao rừng cho cộng đồng. Việc trồng rừng cần đặc biệt lưu ý đến trồng rừng đầu nguồn lưu vực sông, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.
Đề cập đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường trọng tâm, cấp bách, chương trình hành động của Chính phủ nhấn mạnh việc xây dựng quy định tiêu chí môi trường để lựa chọn, quyết định đầu tư phát triển. Phân loại dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chủ động phòng ngừa, kiểm soát nhóm dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Thực hiện phân vùng môi trường để có biện pháp quản lý chất lượng môi trường sống, sinh thái và cảnh quan. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện quy định về quản lý rác thải nhựa theo hướng hạn chế sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các sản phẩm có chứa vi nhựa, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo định hướng hội nhập, nâng cao chất lượng môi trường. Kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa đưa chất thải trái phép, công nghệ, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu vào nước ta.
Để cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân, chương trình hành động của Chính phủ cũng đề ra việc thực hiện các dự án bảo vệ, phục hồi, cải tạo, bổ sung không gian, mặt nước trong các đô thị, khu dân cư. Triển khai xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên cả nước; tiếp tục điều tra, đánh giá, khoanh vùng và cải tạo, phục hồi môi trường khu vực tồn lưu hóa chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật, khu vực ô nhiễm chất độc dioxin... |